| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Tín hiệu tích cực từ chỉ số nhập khẩu nguyên liệu tăng

Một trong những điểm tích cực trong tháng 11-2023 là kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu tiếp tục tăng, chiếm 88,5% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Nguyên liệu chiếm 88,5% tổng kim ngạch nhập khẩu

Đây là tín hiệu cho thấy các hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu đang chuyển biến tích cực.

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2023 ước đạt 29,8 tỷ USD, tăng 1% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 10,6 tỷ USD, giảm 0,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,2 tỷ USD, tăng 1,7%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11 ước tăng 5,1%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 4,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 5,6%.

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, một trong những điểm tích cực trong tháng 11/2023 là kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng cần nhập khẩu, là mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu tiếp tục tăng.

Đây cũng là nhóm hàng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước, ước đạt 26,38 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 88,5% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Trong đó, nhập khẩu tăng mạnh ở một số mặt hàng như: máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, ước đạt 7,9 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái; chất dẻo nguyên liệu tăng 13,6%; hóa chất tăng 7,8%; nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng 30,7%; dược phẩm tăng tới 45,6%, dây điện và cáp điện tăng 24,9%, xơ sợi dệt các loại tăng 22,6%...

Tuy nhiên, đánh giá về tình hình chung trong 11 tháng, Bộ Công Thương cho biết, do những khó khăn về thị trường xuất khẩu, sự sụt giảm trong đơn hàng xuất khẩu từ đầu năm, cùng với việc giá nguyên liệu hạ nhiệt đã kéo theo nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm tương ứng. Tính chung 11 tháng, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất vẫn giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2022 (ước đạt 262,6 tỷ USD).

Ngoại trừ máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 4,1% (ước đạt 79,2 tỷ USD), hầu hết các nhóm hàng chủ lực và là đầu vào quan trọng phục vụ sản xuất các ngành hàng xuất khẩu đều giảm ở mức hai con số, như: điện thoại các loại và linh kiện giảm tới 58,9%; thép các loại giảm 18,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 9,8%; vải các loại giảm 14%...

Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát cũng giảm 17,5% trong 11 tháng năm 2023, ước đạt 16,95 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đều giảm so với cùng kỳ năm trước như: rau quả, bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc, phế liệu sắt thép, ô tô, đá quý, kim loại quý và sản phẩm…

Chi hơn 296 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa

Về kim ngạch nhập khẩu nói chung, thống kê cho thấy 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 296,67 tỷ USD, vẫn giảm 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 105,94 tỷ USD, giảm 8,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 190,73 tỷ USD, giảm 11,7%.

Trong 11 tháng năm 2023, có 43 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,2% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 3 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 43,3%).

Về thị trường nhập khẩu hàng hóa trong 11 tháng năm 2023, do những khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu nên kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, nhất là nguyên phụ liệu của Việt Nam từ hầu hết các thị trường đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 99,6 tỷ USD, giảm 9,0% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc ước đạt 47,8 tỷ USD, giảm 17,1%; ASEAN ước đạt 37,55 tỷ USD, giảm 13,1%; Nhật Bản ước đạt 19,7 tỷ USD, giảm 8,3%; EU ước đạt 13,7 tỷ USD, giảm 1,9%; Hoa Kỳ ước đạt 12,57 tỷ USD, giảm 6,4%.

Để phát triển sản xuất, Bộ Công Thương cho biết, giải pháp trong thời gian tới là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, một số địa phương trọng điểm về công nghiệp, kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất. Tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam.

Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng…

Hải quan Việt Nam

Nội dung liên quan