| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Taiwan
THÔNG TIN CHI TIẾT

Vùng lãnh thổ Đài Loan có tên chính thức Lãnh thổ thuế quan riêng biệt Đài Loan, Bành Hổ, Kim Môn và Mã Tổ (Separate Customs Territory of Taiwan, Penghu, Kinmen and Matsu (Chinese Taipei) trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Diện tích: 35.801 km² 

Trong đó 65% diện tích là rừng núi, đất trồng trọt chỉ chiếm 25%.

Dân số: 23,572,052 người ( tính đến tháng 6/2021 ) trong đó 98% là người Hán, 2% còn lại của dân số là 11 nhóm người thiểu số trên đảo.

Ngôn ngữ: Ngôn ngữ chính thức được dùng tại Đài Loan là tiếng Phổ thông Trung Quốc (người Đài Loan gọi là Quốc Ngữ), tiếp theo đó là tiếng Mẫn Nam (tức tiếng Phúc Kiến), tiếng Hẹ (từ dùng chỉ người Khách gia Trung Quốc, còn gọi là Hakka, Hakas), và một bộ phận nhỏ nói tiếng Cao Sơn (tiếng bản địa, thứ tiếng của dân tộc thiểu số) do đại bộ phận người Đài Loan được di cư từ tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông sang.

Thủ phủ: Đài Bắc (Taipei).

Các Thành phố lớn (từ Bắc xuống Nam) là: Đài Bắc, Đài Trung, Đài Nam, Cao Hùng.

Thể chế hành chính:  “Thể chế chính trị” của Đài Loan được xây dựng theo Chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn (Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc). “Bộ máy chính quyền” của Đài Loan dựa trên thuyết chính quyền "ngũ quyền hiến pháp" của Tôn Trung Sơn, với “Người đứng đầu” là nguyên thủ và Ngũ Viện phân quyền gồm Viện Hành chính (tức Chính phủ),  Viện Lập pháp (tức Quốc hội), Viện Tư pháp, Viện Khảo thí và Viện Giám sát và người dân có quyền bầu cử để thực thi quyền của mình. Trước đây, việc lập pháp thuộc quyền của “Quốc dân Đại hội” (National Assembly), tuy nhiên sau 7 lần sửa đổi hiến pháp (vào những năm 1991, 1992, 1994, 1997, 1999, 2000 và 2005) tất cả các chức năng, nhiệm vụ, thành phần của cơ quan này từ nay chuyển cho Viện Lập pháp.

Địa lý 

Đài Loan nằm cách bờ biển đông nam Trung Quốc đại lục khoảng 180 km qua Eo biển Đài Loan, phía Đông giáp Thái Bình Dương, phía Nam cách Phillipines khoảng 100km, phía Bắc giáp biển Hoa Đông. Chiều dài từ Bắc xuống Nam khoảng 394km, và từ Đông sang Tây rộng 144kmm, đường bờ biển dài 1.566km.

Vùng lãnh thổ Đài Loan nằm ở Đông Á, gồm đảo Đài Loan và một số đảo nhỏ xung quanh trong đó quần đảo Bành Hổ, được Thái BìnhDương và eo biển Đài Loan bao bọc.

Vùng phía đông chủ yếu là dãy núi Chungyang, đồng bằng nhô ra biển và hơi thấp ở phía tây.

Khí hậu: Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, mùa mưa có gió tây-nam; nhiệt độ trung bình tháng Bảy là 280C, mùa đông, tháng Giêng là 180C; lượng mưa trung bình hàng năm 2.540mm. có động đất và thường xuyên có bão.

Kinh tế

Đài Loan có nền kinh tế năng động, chủ yếu dựa vào sản xuất công nghiệp, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nên nền kinh tế có thể bị biến động theo nhu cầu nhập khẩu của các đối tác. Tỷ lệ sinh thấp, dân số già hóa nhanh...là những thách thức lớn đối với Đài Loan.

GDP (tỷ USD): 669 (năm 2020)

GDP theo đầu người (USD): 28.371 (năm 2020)

GDP theo cấu trúc ngành: nông nghiệp: 1,56%; công nghiệp: 36,66%; dịch vụ: 61,78% (năm 2020)

Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế (%): 3,11% (năm 2020)

Xuất khẩu: 346,63 tỷ USD (năm 2020, theo ITC)

Đối tác xuất khẩu: Trung Quốc 29,66%, Hoa Kỳ 14,66%, Hồng Công: 14,19%, Nhật Bản: 6,79% (năm 2020, theo ITC)

Nhập khẩu: 287,17 tỷ USD (năm 2020, theo ITC)

Đối tác nhập khẩu: Trung Quốc 22,23%, Nhật Bản 16,06%, Hoa Kỳ 11,5%, Hàn Quốc 7,2% (năm 2020, theo ITC)

Văn hoá - xã hội 

Số người biết đọc, biết viết đạt 94%.

Đài Loan hết sức coi trọng giáo dục, vì kinh tế tri thức đòi hỏi con người phải có kiến thức và kỹ năng tay nghề cao. Việc học bắt buộc, miễn phí trong 9 năm (tới 15 tuổi) và đang có dự định tăng lên 12 năm. Đại học được khuyến khích, có trình độ quốc tế, song vẫn nhiều sinh viên ra học ở nước ngoài, nhất là học trên đại học.

Hệ thống y tế khá hiện đại. Bảo hiểm y tế tư nhân được coi trọng, chính quyền chỉ cung cấp dịch vụ y tế cho những người nghèo.

Tuổi thọ trung bình đạt 76,35 tuổi. Trong đó: nam 73,62; nữ: 79,32 tuổi.

Những danh thắng dành cho du lịch, nghỉ ngơi và giải trí: Đài bắc, Viện bảo tàng quốc gia, đền Luan-san, Đài Trung, Cao Hùng, Đài Nam, hồ Nhật - Nguyệt...

Lịch sử 

Dưới triều Minh, Đài Loan nằm trong Trung Quốc. Năm 1620, Hà Lan xâm nhập và đặt thương điếm tại đây. Năm 1867, Mỹ đổ bộ lên Đài Loan nhưng thất bại và năm 1874, Nhật cũng tấn công Đài Loan.

Năm 1895, theo hiệp ước Mã Quan giữa Nhật và triều đình Mãn Thanh, Đài Loan được cắt cho Nhật Bản và trở thành thuộc địa của Nhật Bản. Tháng 10 năm 1945, do Nhật bại trận trong Thế chiến II, Chính phủ Trung Quốc lúc bấy giờ đã khôi phục lại chủ quyền đối với Đài Loan. Năm 1949, sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch đã về giữ đảo Đài Loan và các đảo Lan Tự, Lục Đảoquần đảo Bành Hồ (tại eo biển Đài Loan), Kim MônMã Tổ (ở ngoài khơi tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc) và một số đảo nhỏ khác đến ngày nay.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam chỉ công nhận nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa (People Republic of China – PRC) là người đại diện duy nhất của nhân dân Trung Quốc và chỉ có một nước Trung Quốc, còn Đài Loan là một bộ phận không thể tách rời của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.