| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Sweden
THÔNG TIN CHI TIẾT

* Thể chế nhà nước: Theo thể chế Quân chủ Nghị viện (từ năm 1809). Hiến pháp hiện hành ban hành ngày 1 tháng Giêng năm 1975. Có 21 hạt là 21 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (Blekinge, Dalarna, Gavleborg, Gotland, Halland, Jamtland, Jonkoping, Kalmar, Kronoberg, Norrbotten, Orebro, Ostergotland, Skane, Sodermanland, Stockholm, Uppsala, Varmland, Vasterbotten, Vasternorrland, Vastmanland, Vastra Gotaland)

Vua là người đứng đầu trong các công việc đại diện hay lễ nghi, nhưng không có quyền hành pháp. Vua hiện nay là CARL XVI GUSTAF (từ 15/9/1973). Quốc hội gồm 349 thành viên được bầu bằng tuyển cử phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 4 năm. Quốc hội bầu Thủ tướng theo sự giới thiệu của Chủ tịch Quốc hội. Thủ tướng chỉ định các thành viên của nội các. Nội các chịu trách nhiệm trước Quốc hội.

               Chính phủ hiện nay Thủ tướng Stefan LOFVEN đứng đầu (từ 3/10/2014)

* Địa lý: Thuộc Bắc Âu. Dãy núi Nô-rơ-lân dọc theo biên giới với Na Uy và các núi ở phía bắc chiếm 2/3 lãnh thổ của Thuỵ Điển. Vùng Kép-nê-kây-sê có đỉnh núi cao nhất, 2.123m. Vùng Svi-lan ở trung tâm có nhiều hồ. Ở phía nam là vùng cao Sma-lân và vùng đất thấp màu mỡ Scan-nê.

Khí hậu: Mùa đông dài và lạnh, mùa hè ấm. Vùng núi phía Bắc có tuyết 8 tháng trong một năm, nên mùa đông khắc nghiệt hơn so với vùng Snếch-kơ ở miền nam, nơi có mùa đông tương đối ôn hoà.

* Kinh tế: Công nghiệp chiếm 33%; nông nghiệp chiếm: 1,6% và dịch vụ: 65,4% GDP.

Thuỵ Điển có mức sống cao nhờ giữ vai trò trung lập trong hai cuộc đại chiến thế giới, nhờ nguồn thuỷ điện rẻ và dồi dào (sản xuất điện năng đạt 135,192 tỷ kwh) và nhờ khoáng sản giàu trữ lượng và phong phú. Thuỵ Điển chiếm 15% trữ lượng quặng u-ra-ni-um của thế giới. Ngoài ra, Thuỵ Điển có trữ lượng lớn quặng sắt, làm cơ sở cho công nghiệp nặng để xuất khẩu sang Tây Âu. Nông nghiệp, cũng như phần lớn dân số, tập trung ở miền Nam. Các sản phẩm chủ yếu gồm có bơ sữa, thịt, lúa mạch, củ cải đường và khoai tây. Những cánh rừng thông bạt ngàn cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp giấy, đóng tàu thuyền, sản xuất đồ gỗ và xuất khẩu gỗ với khối lượng lớn. Công nghiệp nặng gồm các ngành sản xuất xe động cơ, máy bay và cơ khí. Ngành đóng tàu trọng tải lớn đã ngừng hoạt động.

         Tốc độ tăng trưởng kinh tế sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2015 so với 2014, sau đó tiếp tục tăng trưởng dương cho đến nay.

* Văn hoá - xã hội: Số người biết đọc, biết viết đạt 99%. Ngân sách dành cho giáo dục đứng vào loại cao nhất thế giới. Giáo dục mầm non đối với trẻ ở độ tuổi từ 3 đến 4 tuổi. Giáo dục tiểu học 6 năm miễn phí vào giáo dục bắt buộc 9 năm; 90% học sinh học xong lớp 9 tiếp tục lên trung học. Từ năm 2011, các trường cao đẳng và đại học không áp dụng chế độ miễn học phí đối với học sinh các nước ngoài EU/EEA. Bên cạnh đó có chương trình dạy ngoài giờ cho người lớn tuổi. 

Chăm sóc sức khoẻ cho cộng đồng là một quan tâm lớn của Chính phủ. Mọi dịch vụ y tế miễn phí và chất lượng dịch vụ cao.

         Các mốc lịch sử quan trọng:

- Năm 610 Thụy Điển trở thành quốc gia thống nhất.

- Từ thế kỷ IX đến thế kỷ XI, người Viking Thụy Điển đi chinh phục phần lớn châu Âu và làm chủ biển Ban tích;

- Từ 1160-1809 Thụy Điển thống trị Phần Lan;

- Từ 1370-1524 Thụy Điển bị Đan Mạch thống trị trong liên minh Kalmar;

- Năm 1523 Liên minh Kalmar tan rã; Thụy Điển bước vào thời kỳ hưng thịnh với triều đại vua đầu tiên (Vua Gustaf Vasa);

- Thế kỷ XVII-XVIII là thời kỳ cường quốc phong kiến Thụy Điển tiến hành chiến tranh thôn tính các nước láng giềng (Nga, Đức, Ba Lan, Đan Mạch, Phần Lan);

- Năm 1721 Thụy Điển bị Nga hoàng đánh bại và bị mất các vùng xung quanh Ban tích, trừ Phần Lan, chấm dứt thời kỳ cường quốc Thụy Điển;

- Từ 1808-1809 Nga gây chiến với Thụy Điển để thực hiện ý đồ thôn tính Phần Lan. Thụy Điển thua phải nhường Phần Lan cho Nga;

- Năm 1812 Thụy Điển liên minh với Nga và Anh đánh bại Napoleon. Thụy Điển được chia Na Uy (Na Uy trước đó nằm dưới sự cai trị của Đan Mạch và Đan Mạch liên minh với Napoleon);

- Năm 1905 Na Uy tách khỏi Thụy Điển, trở thành quốc gia độc lập;

- Năm 1814 kết thúc cuộc chiến tranh cuối cùng có Thụy Điển tham gia. Kể từ đó, Thụy Điển thực hiện chính sách trung lập, không đứng về bên nào, kể cả trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai;

- Ngày 19/12/1946 Thụy Điển gia nhập Liên hợp quốc;

- Tháng 11/1959 Thụy Điển gia nhập khối Mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA);

- Ngày 1/3/ 1994 Thụy Điển và EU ký Hiệp định về việc Thụy Điển gia nhập EU và trở thành thành viên chính thức EU từ 1/1/1995 sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 13/11/1994.

- Cho đến nay, Thụy Điển vẫn chưa tham gia khối sử dụng đồng tiền Euro.