| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Xuất khẩu gỗ của Cameroun phục hồi

Tình hình xuất khẩu gỗ của Cameroun đã có dấu hiệu được cải thiện vào đầu năm nay khi số lượng các đơn hàng tăng dần. Lượng gỗ tích luỹ trong thời kỳ khủng hoảng đang được tiêu thụ. Năm 2009, Việt Nam đã nhập khẩu 42,8 triệu USD gỗ từ quốc gia nằm ở khu vực Trung và Tây Phi này.

Năm 2008, ngành gỗ của Cameroun là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế. Liên đoàn giới chủ Cameroun (GICAM) rất lo lắng trước việc nhiều đơn hàng không được thực hiện. Chẳng hạn, Công ty chế biến gỗ Kadey (STBK), người khổng lồ trong lĩnh vực này buộc phải cho nghỉ việc 500 công nhân, tương đương 20% biên chế. Sản xuất hàng tháng của GICAM đã giảm từ 1200m3 xuống còn 700m3 vào tháng 1/2009 và 500m3 vào tháng 2/2009.

Tính đến hết năm 2009, hoạt động trong ngành gỗ vẫn ảm đạm tại Cameroun, quốc gia được xem là có khối lượng gỗ lớn thứ hai châu Phi, chỉ đứng sau CH Dân chủ Công-gô. Năm 2009 chỉ có 30% đơn hàng của châu Âu và châu Mỹ được thực hiện. Nhiều đơn vị chế biến gỗ đã phải đóng cửa trong đó riêng thành phố Douala đã có 8 trên tổng số 22 nhà máy phải ngừng hoạt động.

Tình hình đã có dấu hiệu được cải thiện vào đầu năm nay khi số lượng các đơn hàng tăng dần. Lượng gỗ tích luỹ trong thời kỳ khủng hoảng đang được tiêu thụ. Mặc dù vậy, lượng cầu vẫn thấp hơn thời điểm trước năm 2008 khoảng 20-25%. Lượng cung cũng giảm xuống còn 35-40%. Các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ xẻ của Cameroun cho biết nếu thị trường bất động sản ở phương Tây không phục hồi thì sẽ không có sự cải thiện thực sự trên thị trường vật liệu này.

Ngành kinh doanh gỗ của Cameroun chủ yếu hướng tới xuất khẩu. Thị trường trong nước và thị trường khu vực Tây và Trung Phi bị bỏ ngỏ. Ngành chế biến gỗ địa phương mới chỉ ở giai đoạn sơ khai do chi phí xây dựng một nhà máy là quá tốn kém đối với một doanh nghiệp địa phương.

Ngày 06/05/2010, tại thủ đô Yaoundé, Cameroun và Liên minh châu Âu đã ký một thoả thuận nhằm chấm dứt việc khai thác và kinh doanh gỗ trái phép của Cameroun sang EU và nâng cao việc quản lý rừng của Chính phủ nước này. Theo đó, hai bên nhất trí theo dõi những yếu tố chủ chốt trong hệ thống FLEGT, một dạng giấy phép quốc tế được sử dụng để kiểm tra tính hợp pháp của gỗ nhằm quản lý rừng một cách bền vững. Việc giám sát sẽ được thực hiện từ khâu chặt hạ đến khâu cuối cùng của hoạt động khai thác. 22,5 triệu ha rừng của Cameroun sẽ nằm trong kế hoạch giám sát của thoả thuận này.

Hoàng Đức Nhuận (theo allAfrica.com) 

 

 

Thương vụ Việt Nam tại Nigeria

Nội dung liên quan