| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Tìm hiểu thủ tục xuất khẩu vào thị trường Cameroon

Cameroun mở cửa rộng rãi cho thương mại quốc tế, là thành viên của Khối thịnh vượng chung (Commonwealth), Khu vực đồng franc châu Phi và Cộng đồng Kinh tế và Tiền tệ Trung Phi (CEMAC). Tỷ trọng ngoại thương chiếm khoảng 50% GDP của nước này. Ba đối tác xuất khẩu chính là Tây Ban Nha, Italia và Pháp. Để tạo điều kiện phát triển các mối quan hệ thương mại này, hai bên đã ký các hiệp ước và hiệp định nhằm đơn giản hoá thủ tục trao đổi. Chẳng hạn, Cameroun đã ký hiệp định thương mại với EU và các hiệp ước thương mại với Tuy-ni-di, Ni-giê-ri-a và Trung Quốc.

1/ Các loại thuế và phí nhập khẩu
Có 3 loại sản phẩm nhập khẩu: Những sản phẩm được tự do NK không chịu bất cứ hạn chế nào; những sản phẩm cần visa kỹ thuật hoặc chứng nhận hợp thức của Bộ có thẩm quyền (y tế, an ninh…) và những sản phẩm bị cấm trên lãnh thổ Cameroun. Tuy nhiên, tất cả các mặt hàng nhập khẩu đều phải được kiểm tra về chất lượng, số lượng và giá cả trước khi đưa xuống tàu.
Cameroun là thành viên Cộng đồng Kinh tế và Tiền tệ Trung Phi (CEMAC – gồm 6 quốc gia là Cameroun, Công-gô, Ga-bông, Ghi-nê Xích đạo, CH Trung Phi và CH Tchad). Hàng hoá của các nước thứ ba (không tham gia Cộng đồng này) dù thâm nhập vào bất cứ nước nào trong CEMAC đều phải thanh toán các loại thuế và phí theo Biểu thuế Đối ngoại chung (TEC). Tỷ suất thuế áp dụng tuỳ thuộc vào loại sản phẩm nhập khẩu:
- Các mặt hàng thiết yếu: loại I, tỷ suất thuế 0%;
- Nguyên liệu và trang thiết bị: loại II, 10%;
- Hàng hoá trung gian và các loại khác: loại III, 20%;
- Hàng tiêu dùng thông thường: loại IV, 30%.
Để xác định loại sản phẩm, bạn có thể tra Danh mục hải quan tại trang web Nomenclature Douanière của Cameroun (phù hợp với Hệ thống thuế quan đã được hài hoà hoá).
2/ Các thủ tục nhập khẩu:
Nhà nhập khẩu hoặc người được uỷ quyền nộp Đơn xin xác nhận kiểm tra hàng nhập khẩu (AVI) cho Công ty kiểm định hàng hoá SGS muộn nhất là ngay sau khi hợp thức hoá bản kê khai hàng hoá theo hệ thống hải quan tự động (SYDONIA). Đơn này phải được gửi kèm các chứng từ và thông tin sau: 1 bản sao khai báo nhập khẩu; 1 bản sao vận đơn; 1 hoá đơn cuối cùng; 1 phiếu đóng gói hàng (nếu cần); 1 hoá đơn vận chuyển hàng (nếu cần); 1 chứng nhận bảo hiểm địa phương; chế độ thông quan; số bản kê khai hàng hoá; 1 chứng từ miễn thuế (nếu cần) có kèm theo khai báo hải quan tạm thời; 1 chứng nhận kiểm dịch thực vật hay các dịch vụ kỹ thuật khác (nếu cần).
Sau đó, trong thời hạn tối đa là 8h, công ty kiểm định SGS cấp Giấy chứng nhận kiểm tra hàng nhập khẩu (AVI) gồm 1 bản gốc và 2 bản sao cho nhà nhập khẩu. Việc cấp AVI cuối cùng được thực hiện trực tiếp mà không cần cấp trước AVI tạm thời. Sau khi kiểm tra, giám định viên (thanh tra hàng hoá) trao cho người có quyền sử dụng (nhà NK) 3 bản sao tờ khai: 1 bản sao màu xám, 1 bản sao màu xanh và 1 bản sao màu vàng. Việc kiểm tra này được tiến hành trong thời hạn tối đa là 6h trong trường hợp không có vấn đề về thuế hoặc các yếu tố về khai báo khác.
Nhà nhập khẩu xuất trình những chứng từ này cho công ty kiểm định SGS. Công ty SGS sẽ dán đề can an toàn và đóng dấu trên bản sao tờ khai màu xanh và chuyển cho ngân hàng các chứng từ này để thu tiền. Công ty này phải gửi ít nhất ba lần mỗi ngày những chứng từ trên tới các ngân hàng có liên quan. Sau khi thu tiền, ngân hàng cấp một biên lai và trao trả lại cho người có quyền sử dụng bản sao tờ khai màu xanh, chuyển bản sao màu vàng cho công ty SGS và giữ lại bản sao màu xám. Sau khi xem bản sao màu xanh, biên lai và kiểm tra việc sử dụng, kiểm định viên hàng hoá cấp Phiếu bốc hàng.
Để tìm hiểu thêm thông tin, xin vào trang web của Hải quan Cameroun Douanes camerounaises.
3/ Ai có thể nhập khẩu vào Cameroun?
Nhìn chung, mọi pháp nhân hay thể nhân đều có thể nhập khẩu hàng vào Cameroun. Tuy nhiên, tuỳ theo bản chất hàng hoá của một số sản phẩm nhập khẩu mà nhà NK có thể phải xin giấy phép, tuân thủ những quy định về chất lượng, đóng gói hay những thủ tục đặc biệt (Điều 51 Bộ luật Hải quan của Công đồng Kinh tế và Tiền tệ Trung Phi -CEMAC).
Giấy phép đặc biệt: Việc nhập khẩu một số sản phẩm đòi hỏi phải xin giấy phép đặc biệt trước do Bộ có thẩm quyền cấp. Nhìn chung, đó là một sản phẩm được coi là nguy hiểm khi sử dụng (vũ khí, đạn dược, trang thiết bị quân sự, chất nổ, chất phóng xạ); nguy hiểm khi tiêu thụ (thuốc chữa bệnh, sản phẩm độc hại); nguy hiểm đối với môi trường (sản phẩm gây ô nhiễm không khí, nước hay lớp nước giếng, hoá chất…).
Chứng chỉ phù hợp với các tiêu chuẩn: Theo các quy định trong Thông tri công tác số 107/MINEFI/DD6 về kiểm tra các tiêu chuẩn nhập khẩu, việc nhập khẩu các sản phẩm đòi hỏi phải xuất trình 1 giấy chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn, trước khi được Phòng Hải quan cho dỡ hàng. Đó là những mặt hàng bột lúa mì; bình gas; bao tải bằng đay; sữa chua, sữa cô đặc; tôn thép tráng kẽm, tôn bằng hợp kim nhôm; bột thực phẩm và các mặt hàng khác. Nếu các sản phẩm này không phù hợp với tiêu chuẩn liên quan sẽ buộc phải tái xuất hoặc tiêu huỷ với chi phí do người nhập khẩu phải chịu.
Việc đóng dấu và đánh dấu: Đây là việc bắt buộc đối với một số sản phẩm như vải pagne fancy in và co dãn được; vải xốp bằng cốt-tông; xi măng thuỷ lực; các loại xi măng portland khác; bột mì; bao tải bằng đay; kính mắt; pin điện; thuốc trừ sâu dưới dạng bình xịt; vở, sổ, giấy ghi, sổ sao bản, bìa bọc có đai và nước khoáng. Nhìn chung đây là những mặt hàng nhập khẩu cạnh tranh với các sản phẩm địa phương.
Cấm nhập khẩu: bao gồm những sản phẩm nước ngoài được chế tạo hay tự nhiên không mang tên địa phương sản xuất hay tên nước xuất xứ hoặc không có chữ « Nhập khẩu » được ghi rõ ràng; và tất cả các mặt hàng có vẻ ngoài giống hàng giả.
4/ Ai có thể thông quan?
Theo điều 5 Luật Tài chính năm 1999, chỉ những người hưởng chức danh «đại lý hải quan » (hoặc « môi giới hải quan ») được cấp phép mới được khai báo hàng hoá. Trường hợp đặc biệt: Các cơ quan Nhà nước, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế và chủ sở hữu ôtô có thể khai báo hàng cho chính họ. Việc thông quan hàng hoá có thể thực hiện tại tất cả các phòng hải quan có thẩm quyền trên lãnh thổ Cameroun.


 

 

Thươnng vụ Việt Nam tại Nigeria

Nội dung liên quan