| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Nâng giá trị hạt cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế

Hiện nay, rất ít doanh nghiệp làm thương hiệu cho cà phê xuất khẩu ra thế giới. Do đó, đầu tư xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam là việc cần phải làm. Khi thương hiệu tăng lên thì giá trị cà phê cũng sẽ tốt hơn.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam những năm gần đây tăng trưởng liên tục về giá trị nhưng chủ yếu là cà phê nhân - chiếm hơn 90% sản lượng và khoảng 85% giá trị. Các loại cà phê hòa tan, chế biến sâu dù có tăng song mới chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê cả nước.

Bên cạnh những thành tích về kim ngạch xuất khẩu, xây dựng thương hiệu là cách để nâng cao vị thế hạt cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Theo ông Nguyễn Quang Hưng - Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại xuất nhập khẩu cà phê Napoli, cả nước có khoảng 10.000 doanh nghiệp cà phê. Số lượng doanh nghiệp cà phê rất nhiều nhưng việc phát triển cà phê thương hiệu Việt ra thị trường thế giới còn hạn chế.

“Trong nhiều năm nay, tôi đi khoảng 100 nước trên thế giới và thấy rất ít thương hiệu cà phê Việt Nam, đâu đó gặp thương hiệu cà phê Trung Nguyên trên quầy kệ siêu thị một số nước. So với Thái Lan, Malaysia thì độ bao phủ và thị trường của các thương hiệu cà phê Việt Nam rất hạn chế”, ông Nguyễn Quang Hưng cho hay.

Còn theo Bà Đỗ Việt Hà - Tùy viên thương mại Thương vụ Việt Nam tại Đức khuyến nghị, các doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu gắn với câu chuyện về nguồn gốc sản phẩm, cách chế biến một cách trung thực nhất đến người tiêu dùng. Cần tận dụng lợi thế hiệp định kinh tế mang lại, để đưa cà phê vào thị trường EU nói chung và Đức nói riêng. Đồng thời nên có kế hoạch tham dự các hội chợ quốc tế tổ chức hằng năm ở Đức.

Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị và thương hiệu cà phê Việt, các doanh nghiệp cũng cần có sự phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương ở nước ngoài để nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu thị trường nhằm có thay đổi phù hợp. Các chuyên gia cũng khuyến cáo doanh nghiệp có sự thay đổi trong các khâu như nhân viên phụ trách xuất khẩu và thu mua hàng hóa. Riêng về khâu mua nguyên liệu đầu vào, bộ phận này cũng phải thay đổi làm sao nguyên liệu phù hợp dây chuyền sản xuất, tiệm cận chất lượng nhà nhập khẩu yêu cầu.

Vietnamexport (tổng hợp)

Nội dung liên quan