| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Một số lưu ý với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Ai Cập

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam sang thị trường Ai Cập đạt 362 triệu USD, giảm 9,1% so cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu tháng 10 chỉ đạt 31,3 triệu USD và là tháng thứ 5 liên tiếp duy trì ở mức trung bình thấp trên dưới 30 triệu USD do tình hình thiếu hụt ngoại tệ tại các ngân hàng Ai Cập chưa được giải quyết.

Các nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm trước bao gồm thủy sản (34,1 triệu USD, giảm 27,7%), hạt điều (8 triệu USD, giảm 55,3%), xơ sợi dệt các loại (20 triệu USD, giảm 43,6%), hàng dệt, may (7,7 triệu USD, giảm 12,9%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (43 triệu USD, giảm 58,8%). Ngoài ra theo số liệu của Hiệp hội VASEP, xuất khẩu cá tra sang thị trường Ai Cập 10 tháng đầu năm nay đạt 29,7 triệu USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bao gồm cà phê (31,3 triệu USD, tăng 23,2%), hạt tiêu (11,8 triệu USD, tăng 9,1%), phương tiện vận tải và phụ tùng (22,2 triệu USD, tăng 40,6%) và đặc biệt điện thoại các loại và linh kiện (55,1 triệu USD, tăng 464%).

Qua các vụ việc tranh chấp thương mại giữa doanh nghiệp (DN) Việt Nam với doanh nghiệp Ai Cập trong thời gian qua, có thể chia làm hai dạng tranh chấp chính sau.

1) Tranh chấp thương mại có phần yếu tố khách quan tại thị trường: Đây là tranh chấp khá phổ biến trong thời gian qua chủ yếu liên quan đến vấn đề chậm thanh toán của các ngân hàng do thiếu ngoại tệ. Đa phần doanh nghiệp xuất khẩu (DN XK) không có nhiều lựa chọn khi hàng cập cảng nhưng bên mua không thể thanh toán tiền hàng theo hợp đồng cũng như không có được bất kỳ cam kết nào của ngân hàng về thời hạn thanh toán. Hàng hóa khi đó phải nằm chờ tại cảng dài ngày, phát sinh chi phí lưu kho bãi, chất lượng hàng hóa xuống cấp chưa kể đến giá cả thay đổi trên thị trường dẫn đến tranh chấp về chia sẻ thiệt hại. Nhiều trường hợp doanh nghiệp XK phải chấp nhận giao hàng trước (nếu không muốn kéo hàng về hoặc bị hải quan phát mãi do quá thời hạn cho phép) và chuyển sang hình thức thanh toán trả chậm nhằm giảm thiểu tổn thất với hy vọng sẽ nhận được thanh toán đúng hạn;

2) Tranh chấp thương mại có dấu hiệu gian lận, lừa đảo: Tranh chấp này thường liên quan đến hợp đồng ký ‎qua môi giới khi DN XK không liên lạc trực tiếp với nhà nhập khẩu (NK) và mọi thông tin trao đổi đều phải qua người môi giới. Đã có trường hợp người môi giới giả danh thư của bên NK gửi cho doanh nghiệp Việt Nam đề nghị chuyển các lô hàng sớm dẫn đến bên NK không đồng ý nhận hàng do sai so với tiến độ giao hàng theo hợp đồng, buộc doanh nghiệp Việt Nam phải giảm giá gây thiệt hại không nhỏ. Trong khi hợp đồng ký với người môi giới không chặt chẽ, không có ràng buộc trách nhiệm về mặt thu hồi đủ tiền hàng nên tranh chấp phát sinh và bên XK luôn phải gánh chịu phần thiệt hại. Ngoài ra bên NK còn có thể lấy lý‎ do khó khăn, kinh doanh thua lỗ để yêu cầu nhận hàng trước và thanh toán tiền hàng sau thành nhiều đợt, tuy nhiên sau đó liên tục trễ hẹn và cuối cùng gây sức ép đòi giảm giá hoặc không thanh toán tiền hàng đợt cuối.

Trước tình hình trên, Thương vụ cảnh báo và khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Ai Cập trong giai đoạn hiện nay cần chú ý một số vấn đề sau:

- Xem xét kỹ các điều khoản hợp đồng về điều kiện giao nhận hàng, hình thức thanh toán và bổ sung điều khoản xử lý các phát sinh như trường hợp hàng hóa phải lưu tại cảng dài ngày do vấn đề chậm thanh toán từ phía đối tác nhằm giảm thiểu rủi ro khi thực hiện hợp đồng;

- Hạn chế việc ký hợp đồng thông qua môi giới. Trường hợp ký hợp đồng với bên môi giới, cần làm rõ trách nhiệm của môi giới trong việc thu hồi đủ tiền hàng (nếu có) hoặc các điều kiện để thanh toán tiền hoa hồng. Các hợp đồng cần có điều khoản thanh toán trước ít nhất 30% giá trị theo thông lệ tại địa bàn;

- Khi có bất cứ yêu cầu thay đổi từ nhà nhập khẩu, doanh nghiệp cần kiểm tra, xác thực lại thông tin người gửi và yêu cầu đối tác gửi văn bản chính thức để có cơ sở giải quyết khi xảy ra tranh chấp.

Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập

Nội dung liên quan