| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Phát huy tốt vai trò của hệ thống Thương vụ trong việc đẩy mạnh công tác hội nhập quốc tế thời gian tới

Sáng 2/8, tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế", Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham dự và có bài phát biểu nêu bật một số nét tổng quan về kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Phiên họp được kết nối trực tuyến từ Trụ sở Chính phủ tới các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp lần thứ Nhất

Tham dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trần Hồng Hà; Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trần Lưu Quang; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, thành viên Ban Chỉ đạo.

Nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua, công tác hội nhập kinh tế quốc tế đã được triển khai sâu rộng, bài bản, hiệu quả trên tất cả các kênh đối ngoại song phương, đa phương và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước, gia tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia và nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo đó, nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và cộng đồng doanh nghiệp và người dân từng bước được nâng cao; Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập; Các yếu tố thị trường và các loại thị trường trong nước từng bước phát triển đồng bộ, gắn với thị trường của khu vực và thế giới; Thúc đẩy mở rộng sản xuất công nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm; đồng thời, góp phần tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước.

Thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đến nay, nước ta đã có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có 4 đối tác chiến lược toàn diện, 17 đối tác chiến lược, 13 đối tác toàn diện); có quan hệ thương mại với 224 đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 300 tổ chức quốc tế; đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; đàm phán, ký kết và thực thi 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới; trong đó 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương. 

Tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, việc thực thi có hiệu quả các FTA thời gian qua đã giúp mở rộng, đa dạng thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, nâng cao giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực; thúc đẩy kim ngạch XNK tăng trưởng mạnh và cán cân thương mại được cải thiện rõ rệt theo hướng chuyển từ thâm hụt sang thặng dư (năm 2022 là năm thứ 7 liên tiếp ta xuất siêu với mức thặng dư gần 12 tỷ USD; 7 tháng đầu năm 2023 tiếp tục ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục 15,23 tỷ USD), góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội để mở rộng phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh; tranh thủ được khối lượng lớn vốn đầu tư, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý; tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân, ổn định an sinh xã hội. Người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao, giá cả cạnh tranh…

Bên cạnh đó, việc tham gia các FTA đã góp phần nâng cao vị thế đối ngoại của đất nước, tăng cường đan xen lợi ích với các đối tác chủ chốt, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để phục vụ phát triển đất nước.

Phát huy tốt vai trò của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài

Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, thì các khó khăn, thách thức của nền kinh tế toàn cầu sẽ còn kéo dài trong những năm tới, tiếp tục tác động bất lợi đến các nền kinh tế có độ mở lớn như nước ta. Vì vậy, chúng ta cần kiên trì thực hiện các mục tiêu về hội nhập KTQT theo chủ trương, đường lối của Đảng, để tận dụng hiệu quả hơn các cơ hội phục vụ cho tiến trình phát triển kinh tế đất nước, đồng thời lường trước và có giải pháp khắc phục, ứng biến linh hoạt để giảm thiểu các tác động tiêu cực, bất lợi từ bên ngoài.

Trong bối cảnh đó, để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác hội nhập KTQT, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trong mọi tình huống, ngày 5/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 93 về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030, trong đó đã đề ra các mục tiêu, phương hướng, giải pháp chủ yếu và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Phiên họp

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Bộ Công Thương sẽ khẩn trương, nghiêm túc phối hợp với các Bộ, ngành để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của mình; đồng thời đề xuất thêm một số phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới:

Thứ nhất, chủ động nắm chắc tình hình những biến động kinh tế thế giới và khu vực, những chính sách mới của các nước lớn và các nước nhập khẩu có ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam; tăng cường và nâng cao năng lực công tác dự báo, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả để tham mưu, đề xuất các đối sách, giải pháp phù hợp, khả thi.

Thứ hai, nghiên cứu, xây dựng Chiến lược mới về tham gia các hoạt động thương mại tự do theo hướng tham gia có chọn lọc và thực thi có hiệu quả các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới nhằm thúc đẩy các quan hệ kinh tế quốc tế theo chiều sâu, hiệu quả, thiết thực gắn với bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc; đồng thời, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các FTA mà Việt Nam là thành viên để mở rộng, đa dạng hoá thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu bền vững.

Thứ ba, tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường và các quy định, chính sách mới của các nước sở tại; cảnh báo sớm các “rào cản” mới của đối tác và các vụ kiện thương mại, giúp cho các cơ quan QLNN và doanh nghiệp có phản ứng chính sách phù hợp; đồng thời, tăng cường công tác phòng vệ thương mại, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp trong nước, duy trì môi trường cạnh tranh bình đẳng trong thương mại quốc tế.

Thứ tư, kết hợp chặt chẽ giữa hội nhập kinh tế với hội nhập toàn diện trên các lĩnh vực về: Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng và các vấn đề về xã hội như lao động, công đoàn… tạo mối quan hệ gắn kết hài hòa giữa các lĩnh vực hội nhập, trong đó phát huy vai trò trọng tâm của hội nhập trong lĩnh vực kinh tế để phát huy sức mạnh tổng thể, đóng góp vào quá trình phát triển chung của đất nước.

Thứ năm, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế và đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hội nhập quốc tế cũng như ý nghĩa, vai trò, thời cơ, thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tạo đồng thuận xã hội trong tổ chức thực hiện.

Vietnamexport tổng hợp

Nội dung liên quan