| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Phản ứng của Bungary về khủng hoảng khu vực đồng Euro

Chiều ngày 26/10, trước khi trở lại cuộc họp thượng đỉnh EU, TTg Merkel đã có được sự ủng hộ của QH Đức sau bài phát biểu trong đó nêu bật nguy cơ khôn lường nếu không có giải pháp cứu vãn đồng euro: Nếu đồng euro đổ thì châu Âu cũng sẽ đổ và điều đó đe dọa trực tiếp nền hòa bình hơn 50 năm qua của châu Âu.

Đêm 26/10, các nhà lãnh đạo EU, trong khi hoãn các quyết định quan trọng về việc xử lý cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay đến cuộc họp thượng đỉnh G20 vào 3/11, đã sơ bộ nhất trí được một số điểm sau về 3 vấn đề “cốt lõi”: (i) Nâng tỉ lệ vốn “chất lượng cao nhất” các ngân hàng thương mại lên 9% nhằm bảo đảm đối phó với rủi ro có thể gây sụp đổ do các cú sốc tài chính đưa đến. Đây chính là khoản tiền có tính thanh khoản cao và tổng chi phí để nâng vốn vào khoảng 106 tỉ euro, sẽ được thực hiện trong vòng 8 tháng; (ii) Tăng cường vai trò của Quỹ “bình ổn” European Financial Stability Facility (EFSF), trước mắt với số vốn 440 tỉ euro, có thể lên đến 1 nghìn tỉ euro để EFSF có khả năng bảo hiểm rủi ro và tiếp tục mua trái phiếu của các chính phủ. Nguồn đóng góp này cho EFSF sẽ từ EU, IMF và kể cả từ các nguồn bên ngoài khác như từ TQ; (iii) Nâng tỉ lệ giảm nợ công của Hy Lạp, vốn được Hội nghị thượng đỉnh 21/7 thông qua ở mức 21%. Tỉ lệ cụ thể hiện vẫn đang được bên liên quan: EU, IMF, chính phủ Hy Lạp và các chủ nợ tư nhân tiếp tục đàm phán để đạt công thức chấp nhận được với các bên. Tuy nhiên, theo bà Merkel, để tỉ lệ nợ công của Hy Lạp còn ở mức 120% GDPnăm 2020 thì phải cắt giảm 50% khoản chính phủ nợ qua phát hành trái phiếu. Nợ gốc và lãi của Hy Lạp hiện tại ước tính là khoảng 180% GDP, trong điều kiện Hy Lạp tiếp tục lún sâu vào suy thoái, nếu không có sự hỗ trợ lớn hơn mức 21%, điều này đồng nghĩa với việc Hy Lạp vỡ nợ.Ngoài ra, yêu cầu các nước đang có nguy cơ cao như TBN cam kết tiến hành các biện pháp thắt lưng buộc bụng, trong đó có việc cải cách thị trường lao động; Ý, TBN phải có “ý định thư” cam kết bán tài sản công trị giá 5 tỉ và nâng tuổi về hưu đến 67.

Trong khi đó, Chính phủ Bungari vừa ra tuyên bố chính thức gửi Brusselskhẳng định không ủng hộ đề xuất điều chỉnh Điều 77 của Quy tắc 1083/2006 về tăng Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) nhằm thúc đẩy các chương trình hỗ trợ tài chính đối với các nước thành viên EU bị khủng hoảng. Theo Bungari, sự thay đổi này sẽ gây ra sự thiếu bình đẳng đối với các thành viên EU khác vốn tôn trọng Hiệp ước ổn định và tăng trưởng, đã thực thi các chính sách tài chính chặt chẽ và tránh được các khó khăn trong thời kỳ khủng hoảng. Bungari cũng khẳng định quan điểm rằng việc giải quyết khủng hoảng cũng như thúc đẩy các quy định chặt chẽ hơn về tài chính trong các nước thành viên EU cần phải có sự tiếp cận mang tính phối hợp. Tuyên bố trên được đưa ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh châu Âu ngày 26/10/2011 tổ chức tại Brussels, nội dung chính tập trung vào đề xuất tăng vốn cho EFSF và vấn đề nợ của Hy Lạp; Bungari là một trong 10 nước EU nằm ngoài khu vực Eurozone phản đối đề xuất tăng vốn cho EFSF.

Vụ Thị trường châu Âu

Nội dung liên quan