| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Kim ngạch xuất khẩu

Tình hình xuất khẩu hạt điều vào Thổ Nhĩ Kỳ 7 tháng năm 2021

Theo số liệu từ Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ (TUIK), tính đến hết tháng 7 năm 2021, tổng lượng nhập khẩu hạt điều đã bóc vỏ (HS 08.01.32.00) vào Thổ Nhĩ Kỳ là 5.855,3 tấn tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2020, đạt kim ngạch lên hơn 20,86 triệu USD giảm 17,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, Việt Nam vẫn dẫn đầu, chiếm hơn 94% thị phần kim ngạch xuất khẩu vào Thổ trong 7 tháng đầu năm nay với 5.498,7 tấn đạt 19,7 triệu USD, tăng 36,1% về sản lượng tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước giảm 13,3%, nguyên nhân có thể do đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục có các biện pháp giãn cách xã hội cùng với việc người dân dần thay đổi thói quen ở nhà nhiều hơn khiến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm hạt như hạt điều tăng mạnh trong thời gian vừa qua.

Nhập khẩu hạt điều vào Thổ Nhĩ Kỳ 7 tháng đầu năm 2021

STT

Tên nước

7 tháng đầu năm 2021

Tăng trưởng so với cùng kỳ 2020

Tỷ trọng

Lượng (tấn)

Trị giá (USD)

Lượng (%)

Trị giá (%)

Lượng (%)

Trị giá (%)

1

Việt Nam

     5.498,7

 19.699.097

36,1

-13,3

93,9

94,4

2

Mô-dăm-bích

           49,9

      278.620

-63,7

-61,6

0,9

1,3

3

Ghi-nê

            32,9

      233.303

-

-

0,6

1,1

4

Tan-da-ni-a

            27,3

      154.298

-

-

0,5

0,7

5

Bê-nanh

            31,8

      139.490

-86,9

-89,1

0,5

0,7

 

Tổng cộng

       5.855,3

 20.862.683

29,5

-17,8

 

 

Nguồn: Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ

Cũng trong 7 tháng đầu năm nay, 2 quốc gia khác xuất khẩu điều vào Thổ Nhĩ Kỳ là Mô-dăm-bích và Ghi-nê, kim ngạch nhập khẩu lần lượt chiếm 1,3% và 1,1% tỉ trọng nhập khẩu điều của Thổ Nhĩ Kỳ. Lượng điều nhập khẩu từ các nước châu Phi như giảm mạnh trong thời gian qua có thể do sản xuất bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, nhu cầu nhập điều thô trực tiếp chưa qua chế biến để phục vụ sản xuất giảm sút, ngược lại tăng cường nhập khẩu điều chế biến nhiều hơn.

Theo số liệu cho thấy, giá điều xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng gần đây có xu hướng giảm giá so với đầu năm nay đã phần nào giúp đẩy mạnh lượng điều xuất khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm lĩnh gần như phần lớn thị phần nhập khẩu của quốc gia này trong 7 tháng đầu năm, mặc dù chi phí vận tải biển tiếp tục ở mức cao cùng với chi phí vận chuyển đường biển đang ngày càng cao, việc tiếp tục khan hiếm công-ten-nơ và các chi phí phòng dịch phát sinh đi kèm trong thời gian xảy ra đại dịch.

Việt Nam cần tiếp tục tăng cường khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia các chương trình xúc tiến thương mại tại địa bàn, tham quan và triển lãm tại các hội chợ lớn về ngành thực phẩm tại Thổ Nhĩ Kỳ như Hội chợ WorldFood Istanbul, Sirha Istanbul nhằm gặp gỡ, trao đổi và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp phân phối, chế biến điều của Thổ Nhĩ Kỳ. Chủ động tiếp xúc và quảng bá sản phẩm điều Việt Nam đến các doanh nghiệp chế biến, đóng gói và phân phối mặt hàng hạt điều tại Thổ Nhĩ Kỳ như Tadim Gida, Peyman Gida... Ngoài ra, Việt Nam cần sớm quảng bá sản phẩm có dẫn địa lý đối với mặt hàng điều (cụ thể là điều Bình Phước) để tạo sự khác biệt, nổi trội về chất lượng so với các sản phẩm khác và có cơ hội đưa vào bán tại hệ thống phân phối lớn của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, đến thời điểm này nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chỉ tập trung vào cạnh tranh về giá nhằm giành đơn hàng, dẫn đến tình trạng bị các doanh nghiệp nhập khẩu lợi dụng những biến động về giá thế giới để chèn ép, bắt bí và trục lợi, chẳng hạn như tình trạng ép buộc giảm giá khi giá giảm…

Nội dung liên quan