| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Tình hình thị trường Mali năm 2021

Tình hình chính trị-xã hội Tình hình chính trị tại Mali tiếp tục bất ổn trong trong năm 2021. Các cuộc khủng bố diễn ra thường xuyên làm nhiều dân thường và binh sĩ thuộc Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) thiệt mạng.

Ngày 12/12, tại Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) diễn ra ở Nigeria, các nhà lãnh đạo Tây Phi đã yêu cầu Mali tuân thủ kế hoạch tổ chức các cuộc bầu cử vào tháng 2/2022, đồng thời tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung từ ngày 1/1/2022 nếu Bamako không cam kết khôi phục chính quyền dân sự. ECOWAS đã đình chỉ tư cách thành viên của Mali sau khi xảy ra 2 cuộc đảo chính quân sự ở nước này (tháng 8/2020 và tháng 5 năm nay).

Tháng 11 vừa qua, ECOWAS đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với giới lãnh đạo quân sự ở Mali. Dưới áp lực từ ECOWAS, cơ quan hòa giải và cộng đồng quốc tế, chính quyền quân sự Mali đã cam kết sẽ chuyển giao quyền lực cho lực lượng dân sự sau các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội, dự kiến diễn ra vào tháng 2/2022. Tuy nhiên, giới chức Mali mới đây đã thông báo cho ECOWAS rằng không thể thực hiện cam kết trên theo đúng thỏa thuận. Tình hình kinh tế Mali Kể từ tháng 6 năm 2021, tình hình kinh tế Mali có dấu hiệu khởi sắc với việc chính phủ triển khai một loạt các biện pháp, nhất là các dự án nhằm thúc đẩy kinh tế. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), tỷ lệ tăng trưởng GDP của Mali năm 2021 sẽ đạt 4,2% trong khi năm 2020 là -2%, lạm phát khoảng 3,1% và tỷ lệ nợ công/GDP là 51%.

Dự báo này chủ yếu dựa trên giả thiết các kết quả tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp nhờ tiếp tục thực hiện các chính sách và cải cách nông nghiệp. Bên cạnh đó là sự năng động cùa các lĩnh vực vận tải, viễn thông và thương mại. Nhờ giá thế giới ổn định ở mức cao nên sản xuất và xuất khẩu vàng của Mali đã có sự tăng rất mạnh, song song với việc nhiều công ty mỏ đến nước này. Trong lĩnh vực nông nghiệp, mùa vụ 2021-2022, sản xuất bông sẽ tăng mạnh cho phép Mali tiếp tục trở thành nhà sản xuất bông số 1 châu Phi (800.000 tấn). Sản xuất ngũ cốc dự báo tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, viễn cảnh kinh tế vĩ mô của Mali đã bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 cũng như của khủng hoảng an ninh đang diễn ra. Theo Viện thống kê quốc gia Mali, tỷ lệ lạm phát lên tới 5,9% vào tháng 11/2021 chủ yếu do tăng giá thực phẩm và đồ uống không cồn. Khoảng 1,2 triệu người Mali rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực do tác động của Covid-19, chiến tranh và giá thực phẩm leo thang. Tình hình ngoại thương Mali Mali có nền kinh tế mở trong đó ngoại thương chiếm 58% GDP. Mục tiêu chính của chính sách thương mại của nước này là tiếp tục thực hiện chương trình điều chỉnh cơ cấu theo khuyến nghị của IMF nhằm đa dạng hóa nền kinh tế và ngoại thương.

Thuế nhập khẩu của Mali tương đối thấp (trung bình khoảng 10%) và có rất ít trở ngại về pháp lý hoặc pháp quy đối với thương mại. Theo IMF, do tác động của Covid-19, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của nước này đạt 3,923 tỷ USD, giảm 16,8% và kim ngạch nhập khẩu đạt 4,877 tỷ USD giảm 3,1%. Năm 2021, IMF dự báo kim ngạch xuất khẩu của Mali sẽ tăng 16,7% và nhập khẩu tăng 11,5%. Mali xuất khẩu chủ yếu là vàng (chiếm trên 50% kim ngạch xuất khẩu), bông, động vật sống và phân bón và nhập khẩu chủ yếu là dầu lửa, thuốc, xi măng và gạo. Mali là một quốc gia Tây Phi sản xuất, xuất khẩu ngũ cốc chính trong khu vực, trong đó 10-15% sản lượng thu hoạch được bán sang các nước láng giềng. Tuy nhiên, năm nay, điều kiện khí hậu không được tốt trong khi việc cung ứng trên thị trường thế giới không được bảo đảm do Covid-19, dẫn đến giá lương thực tăng cao. Ngày 6/12/2021, ông Mohamed Ould Mahmoud, Bộ trưởng Công Thương Mali thông báo nước này tạm ngừng xuất khẩu gạo, ngô, hạt bông, khô dầu bông, kê và lúa miến để bảo đảm cung ứng đủ thực phẩm trong nước. «Việc tạm ngừng xuất khẩu này nhằm phòng ngừa khủng hoảng ngũ cốc đang diễn ra trên thị trường thế giới để bảo vệ sản xuất trong nước cũng như các tầng lớp dân chúng yếu thế nhất tại Mali».

Theo cảnh báo của Liên hiệp quốc, giá thực phẩm có thể tăng 30-40% tại khu vực Tây Phi. Thêm vào đó là sự bất ổn về quân sự cũng làm cho vấn đề cung ứng trở nên phức tạp. Trao đổi thương mại Việt Nam-Mali Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Mali chỉ đạt 13,08 triệu USD, giảm mạnh so với năm trước đó (38,9 triệu USD năm 2019) do ảnh hưởng của lệnh cấm vận kinh tế của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi đối với nước này cũng như các động của đại dịch Covid-19. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Mali đạt 23,89 triệu USD (năm 2019 là 28,49 triệu USD). Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm dầu thô, xi măng, hải sản, hạt tiêu, gạo, sản phẩm chất dẻo… Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm bông các loại, hạt điều, đồng, máy vi tính, sản phẩm sắt thép…

Hoàng Đức Nhuận

Thương Vụ Việt Nam tại Algeria

Nội dung liên quan