| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Tình hình thị trường Đức và hợp tác với Việt Nam trong quý I năm 2023

Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU. Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis), tính đến hết tháng 12 năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Đức đạt gần 19 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu của Đức sang Việt Nam đạt trên 3,58 tỷ USD giảm 19% và nhập khẩu của Đức từ Việt Nam đạt 15,4 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2021.

1. Tình hình kinh tế Đức quý I/ 2023

Theo số liệu từ Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis), lạm phát ở nước này đã giảm đáng kể trong tháng 3. Chỉ số giá tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã tăng 7,8% trong tháng 3, giảm 1,5% so với mức 9,3% ghi nhận trong tháng 2.

Trong tháng 3 này, giá lương thực tiếp tục tăng với tốc độ trên mức trung bình là 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, giá năng lượng đã chậm lại đáng kể ở mức 3,5%. Destatis cho rằng nguyên nhân chính khiến lạm phát giảm là do giá năng lượng tăng thấp hơn. Một tín hiệu lạc quan nữa của nền kinh tế Đức là tình trạng gián đoạn nguồn cung nguyên liệu trong ngành công nghiệp Đức đang giảm mạnh.

Trong tháng 2, kim ngạch xuất khẩu của Đức đạt 136,7 tỷ euro, tăng 4% so với tháng 1.2023 và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 120,7 tỷ euro, tăng 4,6% so với tháng trước và tăng 3,8% so với tháng 2.2022. Thặng dư thương mại đạt 16 tỷ euro trong tháng 2.2023. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang các nước ngoài EU đạt 62,8 tỷ euro; nhập khẩu đạt 57,9 tỷ euro, lần lượt tăng 6,6% và 4% so với tháng 1.2023.

Thị trường lao động của Đức đang đối mặt với nhiều thách thức. Ngày 27 tháng 3, tại Đức đã diễn ra cuộc đình công lớn đòi tăng lương, gây gián đoạn đi lại cho hàng triệu hành khách. Hai trong số các sân bay lớn nhất của Đức - ở Munich và Frankfurt - đã tạm ngừng các chuyến bay. Công ty đường sắt Đức Deutsche Bahn đã hủy các tuyến xe lửa đường dài. Cuộc đình công kéo dài 24 giờ vào ngày 27-3 do Công đoàn Verdi, Công đoàn đường sắt và vận tải EVG kêu gọi, trong bối cảnh giá lương thực và năng lượng tăng cao làm giảm mức sống của người dân ở Đức.

Họ kêu gọi tăng lương cho nhân viên ngành đường sắt và các dịch vụ vận tải công cộng khác. Công đoàn Verdi đang yêu cầu tăng 10,5% tiền lương hằng tháng, còn EVG đòi mức tăng 12% cho những người lao động mà họ đại diện. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán với các công đoàn này đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào và sẽ được đưa ra trọng tài độc lập.

Dự báo tăng trưởng kinh tế 2023

Theo báo cáo công bố ngày 05 tháng 4 của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (Ifo), Viện Kinh tế Thế giới (Kiel), Viện Nghiên cứu Kinh tế Halle và Viện Nghiên cứu Kinh tế RWI Leibniz đánh giá Đức sẽ tránh được suy thoái kinh tế và tăng trưởng 0,3% trong năm nay. Mức lạm phát trung bình sẽ giảm nhẹ từ 6,9% năm 2022 xuống còn 6% trong năm 2023.

Kinh tế Đức được dự báo sẽ tăng mạnh trở lại vào năm 2024 với mức 1,5% tăng trưởng GDP và tỷ lệ lạm phát sẽ giảm xuống còn 2,4%.

Về thị trường lao động, các viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Đức dự báo số người có việc làm sẽ tăng từ 45,6 triệu vào năm 2022 lên 45,9 triệu năm 2023 và 46,0 triệu năm 2024. Số người thất nghiệp trong năm nay sẽ tạm thời tăng từ 2,42 triệu lên 2,48 triệu, vì những người tị nạn từ Ukraine khó tìm được việc làm ngay. Tuy nhiên, trong năm tới, tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ giảm xuống còn 2,41 triệu người.

Về thâm hụt ngân sách quốc gia, các viện nghiên cứu cho rằng trong năm nay, thâm hụt ngân sách của Đức sẽ giảm nhẹ xuống còn 2,2% GDP danh nghĩa, vì hiện tại chính phủ vẫn cần mở rộng các khoản chi tiêu ngân sách. Chỉ tới năm 2024, thâm hụt ngân sách mới có thể giảm xuống còn 0,9%.

2. Một số chính sách kinh tế của Đức

Về năng lượng

Chính sách năng lượng của Đức đưa ra mục tiêu giảm một nửa mức tiêu thụ năng lượng vào năm 2050 (so với mức tiêu thụ năm 2008), tăng việc sử dụng năng lượng tái tạo lên 60% vào năm 2050. Kế hoạch này kêu gọi hệ thống năng lượng Đức loại bỏ dần sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng gió, mặt trời, hydrogen...

Các Bộ Liên bang tham gia vào việc hoạch định chính sách năng lượng của Đức:

- Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu (BMWK), đi tiên phong trong kế hoạch này, chịu trách nhiệm thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng...

- Bộ Môi trường, Bảo vệ Thiên nhiên, Xây dựng và An toàn Hạt nhân (BMU), hoạch định chính sách về bảo vệ khí hậu và phát triển năng lượng tái tạo. Chịu trách nhiệm về phơi nhiễm phóng xạ, các quy định về lò phản ứng hạt nhân.

- Bộ Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị (BMI), chịu trách nhiệm về việc sử dụng năng lượng hiệu quả của các tòa nhà và thành phố.

Theo Đạo luật bảo về khí hậu Liên bang, Đức đặt ra mục tiêu đạt tính trung hòa carbon chậm nhất vào năm 2045.

Về công nghiệp

Thế mạnh của ngành công nghiệp Đức nằm ở tính đổi  mới, sáng tạo; đội ngũ lao động tay nghề cao; sự tương tác hiệu quả giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp gia đình và các tập đoàn lớn.

Để duy trình và phát triển các thế mạnh này, Chiến lược phát triển công nghiệp 2030 của Đức xác định 03 lĩnh vực trọng tâm sau:

- Cải thiện các điều kiện chung cho hoạt động kinh doanh

+ Định hình thuế doanh nghiệp, đảm bảo tính cạnh tranh

+ Giới hạn phí phúc lợi

+ Tạo tính linh hoạt cho thị trường lao động

+ Huy động lao động tay nghề cao

+ Đảm bảo cung cấp năng lượng an toàn, giá hợp lý và ngăn chặn rò rỉ carbon

+ Mở rộng cơ sở hạ tầng

+ Đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn

+ Giảm các thủ tục quan liêu, hiện đại hóa luật cạnh tranh

- Đẩy mạnh phát triển công nghệ mới, huy động vốn tư nhân

+ Thúc đẩy đầu tư vào công nghệ

+ Kích hoạt tiềm năng sản xuất của số hóa trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ 4.0, cơ sở hạ tầng dự liệu tự động, các nền tảng kĩ thuật số và tính di động của tương lai (mobility of the future)

+ Tạo tiền đề cho việc giảm thiểu biến đổi khí hậu hiệu quả bằng các biện pháp của ngành công nghiệp phát thải thấp, công nghệ CCS, CCU

+ Phát triển kinh tế sinh học như một lĩnh vực hướng tới tương lai, củng cố vị thế của Đức là địa điểm của công nghệ cao

+ Thúc đẩy sử dụng vật liệu nhẹ thông minh (lightweighting)

- Duy trì chủ quyền công nghệ Đức, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ then chốt

+ Hiện đại hóa các công cụ để bảo vệ chủ quyền công nghệ

+ Cải thiện phát triển an ninh mạng

3. Quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - Đức

Về trao đổi thương mại

Theo số liệu Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 12 năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Đức đạt trên 12,58 tỷ USD, tăng 12,1 % so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt trên 8,96 tỷ USD (tăng 23,1%) và nhập khẩu từ Đức vào Việt Nam đạt trên 3,6 tỷ USD (giảm 8,2%). Các mặt hàng xuất khẩu sang Đức tăng đáng kể là giày dép (53,7%), dệt may (+37,2%), thủy sản (+26,1%), máy móc thiết bị, phụ tùng (+24,8%) so với năm 2021. Tính đến hết tháng 3 năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Đức đạt trên 2,69 tỷ USD, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt gần 1,89 tỷ USD giảm 11%; kim ngạch nhập khẩu từ Đức đạt khoảng 799,89 triệu USD, giảm 8,6% so với tháng 3/2022.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis), tính đến hết tháng 12 năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam Đức đạt gần 19 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu của Đức sang Việt Nam đạt trên 3,58 tỷ USD giảm 19% và nhập khẩu của Đức từ Việt Nam đạt 15,4 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2021. Tính đến hết tháng 1 năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 19% so với tháng 1 năm 2022. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của Đức từ Việt Nam đạt 1,37 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu sang Việt Nam đạt trên 232 triệu USD, lần lượt tăng 25% và giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022.

Về hợp tác đầu tư

Đức coi Việt Nam là thị trường có tiềm năng phát triển nhanh ở châu Á (chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ). Nhiều tập đoàn hàng đầu của Đức (Siemens, Mercedes-Benz, Deutsche Bank, Allianz...) đã mở các cơ sở và cam kết đầu tư lâu dài ở Việt Nam.

Tuy nhiên, đầu tư của Đức vào Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn so với tiềm năng và mong muốn hai bên. Tính đến 20/2/2023 Đức đứng thứ 18 trong tổng số 142 nước đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2.359,24 triệu USD, 443 dự án. Trên ¾ số dự án và 2/3 số vốn đầu tư của Đức vào Việt Nam tập trung vào các ngành chế biến, chế tạo, dịch vụ kĩ thuật, thông tin truyền thông, ngân hàng, bảo hiểm. Một số tập đoàn lớn của Đức đã đầu tư vào Việt Nam như Siemens, Deutsche Bank, Bayer, Stock, … Một số tập đoàn đa quốc gia của Đức đã có đầu tư tại Việt Nam như: Daimler-Chrysler (sản xuất ô tô Mercedes-Benz), B. Braun (sản xuất thiết bị y tế), Messer (tách hóa lỏng khí phục vụ luyện kim)...

4. Điểm nổi bật trong hợp tác kinh tế Việt Nam - Đức trong quý I.2023

Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế

Phiên họp lần 2 Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế và Hành động khí hậu CHLB Đức (BMWK) đã diễn ra thành công vào ngày 23 tháng 2 năm 2023 tại trụ sở Bộ BMWK Đức. Nội dung của phiên họp lần này tập trung vào hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, an ninh năng lượng, chuyển đổi năng lượng, công nghệ 4.0, tháo gỡ các rào cản thương mại cũng như tăng cường các hoạt động xúc tiến, trao đổi hàng hóa, tận dụng tối đa lợi ích từ Hiệp định EVFTA.

Trong lĩnh vực hợp tác năng lượng, hai bên mong muốn nâng cấp từ Đối thoại Năng lượng lên Quan hệ Đối tác Năng lượng nhằm thúc đẩy và tăng tốc quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam và Đức.

Trong lĩnh vực công nghiệp và chuyển đổi số, hai bên mong muốn tăng cường hợp tác trong sản xuất ôtô; khuyến khích các công ty Đức tìm kiếm nhà cung cấp linh kiện và phụ kiện tại Việt Nam; và đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực khác như dệt may, da giày, điện tử và sản xuất công nghệ cao.

Về hợp tác thương mại, hai bên tập trung trao đổi về các giải pháp nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính và tháo gỡ các rào cản thương mại phi thuế quan.

Đối thoại chiến lược Việt Nam – Đức lần thứ 7

Triển khai kế hoạch hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đức, ngày 03/4/2023 tại Berlin, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã cùng Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Andreas Michaelis đồng chủ trì Đối thoại chiến lược Việt Nam - Đức lần thứ bảy nhằm trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác hai nước và các vấn đề khu vực, quốc tế hai bên cùng quan tâm.

Tại Đối thoại, hai bên đã thông qua Kế hoạch hành động chiến lược Việt Nam - Đức giai đoạn 2023 - 2025 với những định hướng và hoạt động hợp tác giữa hai nước thời gian tới trên toàn bộ các lĩnh vực gồm chính trị - an ninh, kinh tế, khí hậu - năng lượng, khoa học - công nghệ, văn hóa và giao lưu nhân dân…

MOU giữa Cục XTTM và Tập đoàn Messe Frankfurt

Ngày 30/3/2023, Cục Xúc tiến thương mại và Tập đoàn Messe Frankfurt vừa chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về tăng cường hợp tác trong hoạt động xúc tiến thương mại.

Mục đích ký kết MOU là thúc đẩy hợp tác giữa hai bên trong việc nghiên cứu và triển khai hiệu quả công tác tổ chức các sự kiện, hoạt động tổ chức hội chợ thương mại quốc tế; tăng cường cung cấp thông tin thị trường, mặt hàng, nhu cầu xuất - nhập khẩu của các doanh nghiệp tại Việt Nam; phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tại Việt Nam tham gia các hoạt động hội chợ quốc tế hiệu quả.

Thương vụ Việt Nam tại Đức

Nội dung liên quan