| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

EU tăng cường các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp một số hàng hoá từ một số nước thứ ba

Ngày 27 tháng 10 năm 2021, EU đã ban hành Quy định số (EU) 2021/1900 về việc sửa đổi quy định (EU) 2019/1793 về việc tạm thời gia tăng các biện pháp kiểm soát chính thức một số hàng hóa nhập khẩu vào EU từ một số nước thứ ba.

Ngày 15 tháng 12 năm 2021, EU đã ban hành Quy định (EU) 2021/2246 sửa đổi Quy định thực hiện quy định (EU) 2019/1793 về việc tăng tạm thời các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp vào EU một số hàng hoá từ một số nước thứ ba. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày 6 tháng 1 năm 2022.

Theo đó, tại Phụ lục II của Quy định 2021/2246, mặt hàng mì ăn liền của Việt Nam đã được bổ sung thêm vào danh sách kiểm tra bên cạnh mặt hàng thanh long trước đó và tăng tần suất kiểm tra lên 20% đối với cả mì ăn liền và thanh long từ Việt Nam.

Tuy nhiên, do sự chậm trễ trong việc vận chuyển nên có một số lô hàng đang trên đường đến EU/EEA và không đáp ứng được các yêu cầu đối với các sản phẩm mới được thêm vào tại Phụ lục II của Quy định, vốn phải kèm theo tài liệu và kết quả phân tích.

Do vậy, Uỷ ban Châu Âu đã đưa ra thoả thuận chuyển tiếp áp dụng trong khoảng thời gian từ ngày 6 tháng 1 năm 2022 đến ngày 17 tháng 2 năm 2022 và chỉ áp dụng cho các lô hàng sản phẩm mới bị kiểm tra EtO được gửi trước ngày 6 tháng 1 năm 2022. Các lô hàng này nếu thiếu các giấy tờ cần thiết có thể được đưa vào thị tường nếu chúng được kiểm tra nhận dạng và kiểm tra thực tế tại các trạm kiểm soát biên giới. Chi phí cho việc kiểm tra này do nhà nhập khẩu hoặc đại diện của họ chi trả, nếu không lô hàng sẽ bị từ chối. Những lô hàng được gửi vào ngày 6 tháng 1 năm 2022 hoặc muộn hơn, thoả thuận chuyển tiếp này không được áp dụng.

Mặt hàng mì ăn liền của Việt Nam được xuất khẩu khá nhiều vào Đan Mạch và Thuỵ Điển. Theo Cơ quan thương mại quốc tế, trị giá nhập khẩu mì ăn liền từ của Đan Mạch và Thuỵ Điển từ Việt Nam trong năm 2020 lần lượt là 494 nghìn USD và 1,41 triệu USD, do vậy, việc gia tăng kiểm tra này sẽ ảnh hưởng phần nào đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp. Mặt hàng mì ăn liền của Việt Nam kiểm tra liên quan đến ethylene oxide trong sản phẩm. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu mì ăn liền của Việt Nam sang Bắc Âu nói riêng và Châu Âu nói chung cần chú ý đảm bảo theo đúng quy định mức dư lượng của EU đã đưa ra.

Nội dung liên quan