| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Tiềm năng xuất khẩu xoài sang Trung Quốc ngày càng lớn

Theo số liệu từ Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), tổng diện tích trồng xoài trên cả nước là 87 nghìn ha, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 48%. Năm 2021 kim ngạch xuất khẩu xoài của Việt Nam đạt hơn 180 triệu USD, chiếm hơn 1% tổng xuất khẩu xoài của thế giới. Xoài Việt Nam xuất chủ yếu sang Trung Quốc, chiếm gần 84% tổng kim ngạch xuất khẩu xoài của cả nước. Hiện Trung Quốc là quốc gia sản xuất xoài lớn thứ 2 thế giới, chiếm khoảng 8,75% tổng sản lượng của thế giới.

Tiềm năng xuất khẩu xoài

Năm 2020, diện tích trồng xoài của Trung Quốc đạt 349 nghìn ha, với tổng sản lượng 3,306 triệu tấn. Song nước này cũng là nước nhập khẩu lớn xoài và sản phẩm từ xoài.

Trung Quốc nhập khẩu xoài chủ yếu từ Thái Lan, Đài Loan, Việt Nam, Australia, Peru. 5 quốc gia này chiếm hơn 90% tổng lượng xoài nhập khẩu của Trung Quốc. Nhưng những năm gần đây, xu hướng nhập khẩu xoài từ Việt Nam tăng đáng kể.

Ngoài nhập khẩu xoài tươi, lượng nước ép xoài nhập khẩu của Trung Quốc lớn hơn nhiều so với lượng xuất khẩu của nước này.

Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), năm 2020 Trung Quốc nhập khẩu 84 nghìn tấn xoài tươi, 80% con số này đều từ Việt Nam. Hiện 2/3 sản phẩm xoài tươi trên thị trường Trung Quốc là nhập khẩu từ Việt Nam.

Xoài Việt Nam thu hoạch quanh năm, nhưng nhiều nhất là các tháng 12,1,2,3,4,5 hàng năm. Các giống xoài xuất khẩu đi Trung Quốc là xoài tượng, xoài keo, xoài Đài Loan….

Từ năm 2020, cùng với việc ký kết hiệp định RCEP và ảnh hưởng của dịch bệnh, nhập khẩu xoài của Trung Quốc đã tăng lên 84 nghìn tấn. Xoài nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 79,84% tổng lượng xoài nhập khẩu của Trung Quốc.

Một số lưu ý nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu xoài

Nhằm tăng lượng xoài xuất khẩu sang Trung Quốc các cơ sở sản xuất xoài cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải tính tới phát triển theo chuỗi gía trị sản phẩm, từ sản xuất, thu mua, sơ chế, đóng gói, bảo quản….

Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu phải đáp ứng được các quy định của thị trường Trung Quốc. Giá trị sản phẩm cần có sự trao đổi giữa nhà sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia phát triển chuỗi giá trị xoài với các cơ quan thương mại, doanh nghiệp tham gia giao dịch quốc tế Việt Nam để tìm hiểu thị trường xuất khẩu.

Đồng thời, thực thi tốt các quy định về kiểm dịch thực vật, kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, quy định về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất nguồn gốc…

Thực tế cho thấy, trong 2 năm vừa qua mẫu mã xoài Việt Nam kém đi nhiều do vận chuyển, thời gian trữ lạnh lâu nên sản phẩm bị xuống mã, bị úng, thối, nên việc bán tươi không được nhiều. Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vận chuyển thông suốt, nhanh chóng, quá trình vận chuyển phải kiểm soát được nhiệt độ phù hợp đảm bảo xoài tươi, mẫu mã đẹp.

Doanh nghiệp xuất khẩu xoài cũng cần kết nối với thương vụ Việt Nam hoặc văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Trung Quốc để có được thông tin chính xác về nhà nhập khẩu cũng như nhờ đó nhà nhập khẩu cũng có thể liên hệ dễ dàng.

 

VNE

Nội dung liên quan