| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Môi trường kinh doanh tại Ô-man

Ô-man có tên đầy đủ là Vương quốc Ô-man (Sultanate of Oman), là một đất nước thanh bình, có nhiều cảnh đẹp thiên nhiên. Ô-man có vị trí địa chiến lược quan trọng, nằm sát bờ biển ở phía Đông Nam bán đảo Ả-rập, nhìn ra biển Ả-rập, Vịnh Ô-man và eo biển Hormuz (khoảng 30% lượng dầu mỏ được vận chuyển trên phạm vi toàn thế giới thông qua eo biển này), dọc theo tuyến vận tải biển quốc tế nhộn nhịp, thuận tiện trong việc kết nối giao thương với vùng Vịnh, châu Phi và Trung Đông. Do có cảng biển nước sâu và có vị trí thuận lợi, tái xuất khẩu hàng hóa là một trong những hoạt động kinh tế quan trọng của Ô-man. Hợp tác với Ô-man, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ có cơ hội thâm nhập thị trường Ô-man mà còn có thể thông qua Ô-man, đưa hàng hóa xuất khẩu sang các nước và khu vực xung quanh.

Theo quy định tại Luật đầu tư nước ngoài của Ô-man (The Foreign Capital Investment Law), các doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập tại Ô-man phải có ít nhất 35% tài sản thuộc sở hữu của công dân Ô-man. Tỷ lệ này thấp hơn so với UAE (doanh nghiệp thành lập tại UAE phải có ít nhất 51% giá trị tài sản thuộc sở hữu của công dân UAE), cho thấy mức độ thông thoáng của Ô-man trong quy định pháp lý về đầu tư nước ngoài.

Ô-man có môi trường kinh doanh cởi mở, thông thoáng, tôn trọng nguyên tắc “thị trường tự do”, tôn trọng tính pháp lý tối cao của hợp đồng, thực hiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, áp thuế nhập khẩu thấp, thuế thu nhập doanh nghiệp thấp. Tài sản vốn và lợi nhuận của doanh nghiệp được tự do di chuyển ra nước ngoài. Tại Ô-man không quy định thuế thu nhập cá nhân. Cá nhân được tự do chuyển tiền ra nước ngoài. Doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập trong thời hạn 5 năm kể từ khi thành lập, đối với doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực ưu tiên được miễn thêm 5 năm tiếp theo. Đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên có cơ hội được tiếp cận các khoản vay từ Chính phủ với mức lãi suất ưu đãi rất thấp hoặc bằng không. Khi xây dựng nhà máy, các nhà đầu tư được nhập khẩu miễn thuế các loại máy móc thiết bị tư liệu sản xuất. Nếu là doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp được miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu thô và được tiếp cận bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Bộ Công Thương Ô-man áp dụng “cơ chế một cửa” đối với việc đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. Lực lượng lao động tại Ô-man được đánh giá là có trình độ tay nghề cao và có thể sử dụng thành thạo song ngữ: tiếng Ả-rập và tiếng Anh.

Hiện nay, Chính phủ Ô-man đang rất quan tâm đến việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, gồm cảng biển, sân bay, khu kinh tế tự do, khu chế xuất, đường sắt, đường bộ, các cơ sở y tế và giáo dục. Phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu của Ô-man thông qua Cảng Sultan Qaboos ở Muscat, trong thời gian tới, chức năng này sẽ dịch chuyển sang Cảng Sohar, do cảng Qaboos sẽ dùng cho mục đích đón tàu lữ hành quốc tế (cruise vessel). Hệ thống đường bộ hiện đại, mới được xây dựng kết nối hầu hết các vùng miền của cả nước.

Cảng Salalah, cách Muscat 1.000 km về phía Tây Nam của Muscat, lớn thứ hai tại Ô-man, là một trung tâm chuyển tải container hàng đầu tại vành đai Ấn Độ Dương. Cảng Salalah là cảng duy nhất giữa Châu Âu và Singapore có thể đón các tàu container hạng S (S-class container vessels). Từ cảng Salalah đi sang Mỹ cả đi cả về hết khoảng 7-14 ngày. Cảng Salalah đang có kế hoạch mở rộng, xây mới để có thể tăng công suất bốc dỡ của cảng lên đến 40 triệu tấn hàng rời và 5 triệu tấn hàng chất lỏng mỗi năm. Cảng Sohar hiện là cảng lớn thứ ba tại Ô-man, nằm bên ngoài eo biển Hormuz. Đến với Muscat bằng đường hàng không, có thể lựa chọn chuyến bay của các hãng hàng không như Oman AirTurkish AirlinesSri LankanRoyal JordanianBritish AirwaysPIAJet AirwaysLufthansaEmiratesSwiss International Air LinesKuwait AirwaysAir IndiaThai Airways.

Theo báo cáo “Doing Business 2013 Report” của Ngân hàng Thế giới công bố tháng 10/2013, Ô-man đứng ở vị trí số 44 trong 185 nước được xếp hạng xét về chỉ số mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh, cao hơn nhiều so với nhiều nước khác ở khu vực Trung Đông-Bắc Phi. Trong 6 năm qua, Ô-man đã giảm số lượng các bước/thủ tục cần thực hiện để một doanh nghiệp có thể đi vào hoạt động từ 10 xuống còn 5. Đồng thời, thời gian cần thiết để hoàn tất các thủ tục giảm từ 38 ngày xuống còn 8 ngày.

Trong năm tài chính 2012/2013, Ô-man xếp thứ 32 trong số 144 nước được xếp hạng xét theo Chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum’s Global Competitiveness Index). Thứ hạng của Ô-man đã vượt qua cả Ấn Độ, Nam Phi, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2013, Ô-man đứng thứ 5 trong khu vực Trung Đông-Bắc Phi và đứng thứ 45 trên thế giới xét theo Chỉ số về mức độ “tự do kinh tế”.

Hiện nay, khoảng 50% giá trị GDP, 85% giá trị xuất khẩu hàng hóa, 80% doanh thu ngân sách của Ô-man phụ thuộc vào ngành công nghiệp dầu khí. Ô-man có Dự trữ dầu mỏ khoảng 5,5 tỷ thùng, đứng thứ 25 trên thế giới. Năm 2012, Ô-man sản xuất 930.000 thùng/ngày. Dự trữ khí đốt của Ô-man khoảng 850 tỷ m3, đứng thứ 29 trên thế giới.

Do dự trữ năng lượng của Ô-man có hạn, Ô-man đang cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế thông qua khuyến khích đầu tư nước ngoài, thực hiện chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, đẩy mạnh công nghiệp hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh tư nhân hóa. Ô-man đặt mục tiêu đến năm 2020, các lĩnh vực kinh tế “phi dầu khí” sẽ đóng góp tới 81% giá trị GDP. Thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ 8 (2011-2016), Ô-man dự kiến dành khoảng 33,8 tỷ USD để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng (cảng, đường cao tốc, đường sắt, sân bay); dành 20,8 tỷ USD để thực hiện các dự án dầu khí; 8,8 tỷ USD để phát triển ngành điện; 1,8 tỷ USD để phát triển ngành du lịch.

Nguyễn Phúc Nam

Vụ thị trường Châu Phi Tây Nam Á

Nội dung liên quan