| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Tình hình kinh tế Lào Quý II/2021

Diễn biến của dịch Covid-19 lần hai đã ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến nền kinh tế Lào ngay từ đầu năm 2021. Những khó khăn về tài chính-tiền tệ, áp lực nợ công, thu ngân sách không đạt kế hoạch, tỷ lệ lạm phát tuy được khống chế nhưng vẫn ở mức cao, tiền Kíp giảm mạnh so với đồng Bath Thái và Đô la Mỹ, tình hình thiên tai và dịch bệnh khác là những thách thức và áp lực đối với việc phát triển kinh tế-xã hội Lào trong năm 2021.

(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Quốc hội Lào đã thông qua đề xuất của Chính phủ về 06 mục tiêu, 25 kế hoạch nhằm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 9 giai đoạn 2021-2025, phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt 4% trở lên trong năm 2021. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay, việc kinh tế tăng trưởng 4% sẽ là một thách thức không nhỏ đối với Lào.

Tăng trưởng GDP 04 tháng đầu năm đạt 3,8%, giảm 0,2% so với kế hoạch đề ra; trong đó, ngành nông nghiệp tăng 1,8%; năng lượng tăng 4,2%; công nghiệp chế biến tăng 7,8%; dịch vụ tăng 3,5%.

Một số chỉ số kinh tế vĩ mô:

- Về tài chính-tiền tệ: Đến hết tháng 5/2021, lượng tiền lưu thông tăng 14,90%, nằm trong mức cho phép; dự trữ ngoại hối đảm bảo cân đối nhập khẩu được 3,7 tháng; tỷ giá hối đoái giữa Kíp và USD giao động trong khoảng 3,84; tỷ lệ lạm phát là 2,64%, nằm trong khoảng cho phép; huy động tiền gửi ngân hàng tăng 16,68%; nợ xấu trong khoảng 2,97% (kế hoạch không quá 3%); thu ngân sách đạt 8.596 tỷ Kíp, đạt 31,11% kế hoạch năm; chi ngân sách đạt 8.186 tỷ Kíp, đạt 25,92% kế hoạch; huy động vốn cân đối ngân sách đạt 2.641 tỷ Kíp, đạt 12,98% kế hoạch (phát hành trái phiếu đạt 859 tỷ Kíp, vốn vay nước ngoài 1.782 tỷ Kíp).

- Về đầu tư:

 + Đầu tư công: Hiện Chính phủ đang triển khai thông báo danh mục các dự án đầu tư công đã được phê chuẩn năm 2021, thực hiện giải ngân đối với các dự án chuyển tiếp từ năm 2020 sang năm 2021 là 700 tỷ Kíp; tiếp tục xử lý nợ theo phương thức “tam giác” và phát hành thêm trái phiếu Chính phủ với tổng giá trị là 5.000 tỷ Kíp, hiện đạt trên 96% và Quốc hội đã thông qua gói phát hành mới trong đợt II là 5.000 tỷ Kíp (tổng 10.000 tỷ Kíp);

Về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA): Các đối tác phát triển và bạn bè tiếp tục cam kết hỗ trợ Lào, 06 tháng đầu năm thu hút được 1.832,03 tỷ Kíp (tương đương 185,05 triệu USD), đạt 25% kế hoạch năm (7.200 tỷ Kíp).

 + Đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài: Tiếp tục cải cách cơ chế chính sách, biện pháp tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy đầu tư tư nhân và FDI; trong 06 tháng đầu năm thu hút được 26 dự án (nước ngoài 10, trong nước 14 và 02 liên doanh); thu ngân sách được 17 tỷ Kíp, đạt 11,04% kế hoạch năm.

- Về thương mại: theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương Lào, 5 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch thương mại Lào với thế giới đạt 4.914,5 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020 (4.428,3 triệu USD).

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 2.445,4 triệu USD tăng 4,4% so với cùng kỳ (2.341,6 triệu USD). Sản phẩm xuất khẩu chính là điện, quặng đồng, chuối, bột gỗ và giấy thải, khung và phụ tùng máy ảnh, vàng và vàng thỏi, cà phê chưa chế biến, cao su, thuốc lá và ngô ngọt…

Nhập khẩu đạt 2.469 triệu USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ (2.086,7 triệu USD). Sản phẩm nhập khẩu chính là phương tiện (không bao gồm xe máy và máy kéo), thiết bị điện, dầu diesel, thiết bị cơ khí, thép và sản phẩm thép, thép từ tính, phụ tùng ô tô, kính, xích, gas, cốt thép và các loại thép, xăng, sản phẩm nhựa và chất thải công nghiệp thực phẩm…

Thái Lan và Trung Quốc tiếp tục đứng đầu trong các đối tác thương mại của Lào, tiếp đến là Việt Nam (trong 5 tháng đầu năm 2021, Thái Lan là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Lào chiếm 50,8% tổng giá trị nhập khẩu; Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Lào chiếm 41,6%).

- Về thực hiện các mục tiêu kinh tế khác: Đối với ngành nông lâm, 06 tháng tập trung thúc đẩy sản xuất lúa gạo, đạt 87.063 héc-ta, sản lượng đạt 392.490 tấn, tăng 1,23% so với cùng kỳ năm 2020, dự kiến sản xuất lúa gạo cả năm đạt khoảng 3,51 triệu tấn (kế hoạch 3,54 triệu tấn). Về năng lượng, 06 tháng đạt 18.415 triệu KWh, đạt 43,93% kế hoạch, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước, tổng giá trị khoảng 9.639 tỷ Kíp, dự kiến 06 tháng cuối năm sẽ đạt khoảng 23.501,70 triệu KWh, tương ứng 12.001 tỷ Kíp, trong đó tiêu dùng nội địa 4.503,41 triệu KWh, tương ứng 762,317 triệu USD và xuất bán nước ngoài 14.531 triệu KWh, tương ứng 958,369 triệu USD; về khai khoáng đạt giá trị 8.783 tỷ Kíp, đạt 63,58% kế hoạch năm, dự kiến 06 tháng cuối năm ước đạt 7.106 tỷ Kíp, trong đó xuất bán nước ngoài 749,52 triệu USD, đạt 54,82% kế hoạch, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020; dự kiến 06 tháng cuối năm ước đạt 640,48 triệu USD. Đối với lĩnh vực dịch vụ, giá trị lưu thông hàng hóa đạt 18.400,66 tỷ Kíp, đạt 25,60% kế hoạch, vận chuyển được 6.746 nghìn tấn hàng hóa, chiếm 61% kế hoạch năm. Các lĩnh vực khác về cơ bản đều được quan tâm và đạt mục tiêu đề ra, một số ngành có bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng vẫn đảm bảo được các chỉ tiêu, đặc biệt đối với lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực; riêng công tác xóa đói nghèo gặp nhiều khó khăn và tỷ lệ nghèo gia tăng, mục tiêu này khó có thể đạt kế hoạch đề ra.

Nội dung liên quan