| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Chi Lê chuẩn bị cử đoàn kiểm tra cơ sở đóng gói và chiếu xạ thanh long của Việt Nam

Sau gần một năm xét duyệt thủ tục, ngày 03/08/2010 Cục bảo vệ nông nghiệp Chi Lê, thuộc Tổng cục bảo vệ động - thực vật quốc gia Chi Lê (SAG), đã chấp thuận về mặt nguyên tắc cho trái Thanh Long của Việt nam được xuất khẩu vào Chi Lê.

 

 

Nhằm mục đích đẩy mạnh công tác xúc tiến xuất khẩu hàng hóa nói chung, trong đó có trái Thanh Long của Việt Nam vào Chi Lê. Thương vụ Việt Nam tại Chi Lê đã tìm một số nhà nhà nhập khẩu và phân phối rau quả của Chi Lê, đồng thời trực tiếp làm việc nhiều lần với Tổng cục bảo vệ động thực vật quốc gia Chi Lê – SAG (Servicio Agricola y Ganadera - www.sag.cl)

Sau buổi làm việc đầu tiên với với SAG Chi Lê, Thương vụ đã gửi mẫu số 2 (SAG Form # 2 - Chile), cho Hiệp hội rau quả và Công ty TNHH Thanh Long Hoàng Hậu, tỉnh Bình Thuận,  kê khai và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận không có nguy cơ về sâu bệnh hại, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, để phía Chi Lê có thể phân tích nguy cơ rủi ro của sâu bệnh gây hại (Pest Risk Analysis – PRA), cho việc cấp phép xuất khẩu trái Thanh Long vào Chi Lê.

Thông tin chi tiết về rào cản kỹ thuật đối với hàng nông sản xuất khẩu vào Chi Lê, xin vui lòng xem tại đường dẫn sau đây:

http://vietnamese.vietradeinchile.gov.vn/website/article.aspx?article_id=10868

Ngày 26/10/2009, Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam đã gửi cho SAG Chi Lê, 22 trang tài liệu nghiên cứu cơ bản về trái Thanh long, từ khâu sản xuất, đóng gói, xử lý chiếu xạ đến khâu xuất khẩu.

Do trái cây tươi là một trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Chi Lê, nên nước này xây dựng  hàng rào kỹ thuật khá chặt chẽ, để hạn chế việc xuất khẩu hàng nông sản của nước ngoài, trong đó có trái cây và rau tươi vào Chi Lê.

Qua các buổi làm việc của Thương vụ với SAG Chi Lê, nổi lên vấn đề thời gian xem xét cấp giấy phép nhập khẩu trái Thanh long của Việt Nam vào Chi Lê. Phía SAG Chi Lê cho rằng thông thường việc xét duyệt là một năm, nhưng đối với trái Thanh Long của Việt Nam, lần đầu tiên xuất khẩu vào Chi Lê, có thể phía SAG sẽ kéo dài thời gian xem xét tới 2 năm. Xét thấy đây là việc làm mang tính chủ quan của SAG, Thương vụ vừa có thái độ mền mỏng, tặng quà đối ngoại cho SAG, nhưng cũng tỏ thái độ kiên quyết, nếu SAG Chi Lê kéo dài thời gian xem xét 2 năm, Thương vụ sẽ kiến nghị cơ quan thẩm quyền của Việt Nam áp dụng tương thích đối với trái cây của Chi Lê xuất khẩu vào Việt Nam. Trước phản ứng của Thương vụ, bà Grisel Monje Vildósola, Cục Trưởng Cục bảo vệ nông nghiệp, SAG Chi Lê, đã chấp thuận giữ nguyên thời gian xem xét hồ sơ đối với trái Thanh Long của Việt Nam là một năm.

Ngày 03 tháng 08 năm 2010, SAG Chi Lê thông báo cho Thương vụ, đã gửi thư thư số 8033/SAG cho Cục bảo vệ Thực vật Việt Nam. Trong đó phía Chi Lê yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật xác nhận trái Thanh long của Việt Nam xuất khẩu sang Chi Lê phải được làm sạch đất và lá, không có các đối tượng gây hai sau đây: Dysmicoccus brevipes, Dysmicoccus neobrevipes, Ferrisia virgataand Pseudococcus jackbeardleyi. 

Các đối tượng còn lại trên trái Thanh long của Việt Nam như Bactrocera correcta, Bactrocera cucurbitae, và Bactrocera dorsalis, phải được xử lý theo phương pháp của Hoa Kỳ: USDA Treatment ManualIrradiation: *T 105-a-2 (IR @400 Gy.

Ngày 21 tháng 9 năm 2010, Tiến sỹ Hoàng Trung, Phó Cục trưởng, Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam, đã gửi thư cho SAG Chi Lê, thông báo đáp ứng được các yêu cầu này. Phía SAG Chi Lê cho biết dự kiến trong tháng 11 năm 2010, sẽ cử đoàn công tác sang thẩm định việc xử lý chiếu xạ và đóng gói trái Thanh long, đối với lô hàng đầu tiên xuất khẩu vào Chi Lê. Những lô hàng sau sẽ ủy quyền cho Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam Việt Nam cấp giấy chứng nhận về kiểm dịch thực vật, và gửi thông tin cho SAG trước khi lô hàng được xuất khẩu vào Chi Lê.

Đây là một tin vui cho những người trồng trọt và các nhà xuất khẩu Thanh long của Việt Nam, trước một quốc gia được xem là một trong các nước có hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt nhất trên thế giới.

Do thời gian xét duyệt thủ tục lâu, nên SAG Chi Lê đề nghị phía Việt Nam nên xem xét tiếp tục nộp hồ sơ đối với các loại trái cây, hoặc nông sản của Việt Nam, có ý định xuất khẩu vào Chi Lê. Thương vụ đã làm việc với nhà nhập khẩu của Chi Lê và thông báo cho Hiệp hội rau quả Việt Nam.

Sau đây là nhu cầu nhập khẩu các loại trái cây và nông sản của Việt Nam theo thứ tự ưu tiên như sau: (1) Thanh Long – Dragon Fruit (đã gửi hồ sơ); (2) Chôm chôm – Rambutan Fruit; (3) Vải thiều – Lychee; (4) Nhãn lồng – Longan; (5) Quýt – Mandarin Orange; (6) Bưởi – Pomelo; (8) Tỏi khô – Dry Galic.

Ngoài ra, Thương vụ cũng kiến nghị Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam, áp dụng thời gian xem xét cấp phép nhập khẩu, đối với hàng nông sản của Chi Lê xuất khẩu vào Việt Nam là 01 năm, tương thích như SAG áp dụng đối với hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu vào Chi Lê. Đây là một biện pháp rào cản kỹ thuật, nhằm mục đích bảo vệ nông nghiệp của Việt Nam khỏi dịch bệnh, mặt khác sẽ góp phần làm giảm nhập siêu các loại hàng hóa tiêu dùng.

 

 

Thương vụ Việt Nam tại Chi Lê

Nội dung liên quan