| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Xuất khẩu gạo sang Đài Loan trong 11 tháng đầu năm tăng trưởng khá

Theo thống kê của Cơ quan quản lý Ngoại thương Đài Loan (BOFT), trong 11 tháng đầu năm 2022, đảo này đã nhập về 114.976 tấn gạo các loại từ 11 đối tác trên thế giới với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 79,82 triệu USD, tăng 17,06% về lượng và tăng 20,12% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

(Nguồn: BOFT)

Theo đó, Hoa Kỳ vẫn là đối tác số 1 xuất khẩu gạo vào Đài Loan trong 11 tháng đầu năm chiếm 50,37% tổng thị phần nhập khẩu của Đài Loan trong cùng kỳ. Các đối tác kế tiếp lần lượt là Thái Lan, Việt Nam, Australia và Nhật Bản.

Theo thống kê của BOFT, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào Đài Loan trong 11 tháng đầu năm tăng trưởng khá, với 18.758 tấn gạo các loại đã được xuất khẩu sang Đài Loan trong giai đoạn này, với kim ngạch xuất khẩu đạt 9,36 triệu USD tăng 28,87% về lượng và tăng 16,44% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy vậy, nếu tính theo chủng loại gạo, cũng theo thống kê của BOFT, mặc dù Việt Nam vẫn là đối tác xuất khẩu gạo nếp lớn nhất vào Đài Loan, với 7.213 tấn gạo nếp đã được Việt Nam xuất khẩu sang Đài Loan trong 11 tháng đầu năm, song lượng này đã giảm 21,83% so với cùng kỳ năm 2021.

Trên cơ sở thống kê của BOFT, có thể nhận thấy đây là xu thế chung bởi lượng gạo nếp Đài Loan nhập khẩu từ 02 đối tác còn lại là Hoa Kỳ và Thái Lan cũng lần lượt giảm 63,23% và 9,47% so với cùng kỳ năm 2021.

Cũng liên quan đến mặt hàng gạo nếp, về chính sách nhập khẩu, ngày 20/12/2022, BOFT đã ban hành Thông báo cho biết, kể từ ngày 01/01/2023, việc quản lý nhập khẩu gạo nếp và 03 loại gạo khác có mã hàng (CCC code) như 1006.30.00.10-4/1006.30.00.90-7/ 9825.13.00.11-7 và 9825.13.00.12-6 sẽ được đổi mã quản lý nhập khẩu từ mã 451 sang mã quản lý 454, cho phép các thương nhân nhập khẩu lượng dưới 6kg khi khai báo hải quan không cần đính kèm văn bản đồng ý do Cơ quan quản lý Nông nghiệp Đài Loan chứng nhận hoàn thành đăng ký thương nhân ngũ cốc nhập khẩu, kể cả gạo chưa có bản quyền giống do Đài Loan lai tạo.

Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc

Nội dung liên quan