| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Tác động của lệnh phong tỏa tại Pháp

Chính phủ cho biết, lệnh phong tỏa mới, kể từ ngày 20/3/2021 áp dụng cho 16 Tỉnh, sẽ tiêu tốn thêm 1,2 tỷ euro cho ngân sách Nhà nước trong 1 tháng áp dụng.

 Khoản ngân sách này phục vụ các mục tiêu hỗ trợ sau: 600 triệu hỗ trợ tổn thất về hoạt động cho doanh nghiệp nhỏ và lao động tự do, 400 triệu cho thất nghiệp một phần và 200 triệu tiền miễn trừ các khoản thuế, phí. Như vậy, ngoài chi phí “thông thường” khoảng 6 tỷ euro mỗi tháng trong giai đoạn hiện nay, trong tháng phòng tỏa tới, chi phí cho Chính phủ sẽ tăng lên 7,2 tỷ.
 
Đợt phong tỏa “toàn phần” lần thứ nhất, kéo dài 2 tháng, từ tháng 3 tới tháng 5 năm 2020 đã làm suy giảm hơn 30% hoạt động của toàn bộ nền kinh tế Pháp, tương đương thiệt hai 125 tỷ euro. Đợt phong tỏa lần thứ 2, kéo dài 1,5 tháng từ cuối tháng 10 năm 2020, đã gây thiệt hại 12% cho nền kinh tế, tương đương mức giảm 36 tỷ euro cho GDP. Trong khi đó, lệnh giới nghiêm từ 18h được áp dụng trong nhiều tháng qua được nhận định làm suy giảm 8% hoạt động kinh tế của đất nước so với mức thông thường trước đại dịch.
 
Với lệnh phong tỏa mới, 40% hoạt động kinh tế của Pháp sẽ tạm dừng trong một tháng, thiệt hai cho nền kinh tế sẽ ở mức -3 đến -4% một tháng, tương đương mức giảm 0,4 điểm phần trăm GDP cho năm 2021. Tuy nhiên, số liệu từ Chính phủ cho thấy, nhờ sự thích nghi từ các thành phần kinh tế và các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, tác động tới GDP 2021 của đợt phong tỏa này chỉ ở mức 0,2 điểm.
 
Tuy nhiên, Bộ trưởng phụ trách ngân sách công cho biết Chính phủ vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng 6% cho cả năm 2021, trên cơ sở kỳ vọng vào Kế hoạch phục hồi của Chính phủ và những số liệu khả quan đối với thu ngân sách trong tháng 1 năm 2021 nhờ tiêu dùng hộ gia đình tăng và đầu tư vẫn duy trì mức ổn định. 

Dù nền kinh tế Pháp được dự báo vẫn giữ được đà tăng trưởng 6% trong năm 2021, tuy nhiên lệnh phong thỏa thủ đô Paris và 15 tỉnh lân cận trong ít nhất một tháng từ ngày 20/3/2021 sẽ có tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp, đặc biệt trong các lĩnh vực dệt may, da giày, khi hàng năm đây là thời điểm giao mùa, người dân thường có thói quen mua sắm quần áo, giày dép cho mua hè. 

Nội dung liên quan