| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Xuất khẩu nông sản sang UAE: Giá phải hấp dẫn

UAE có nhu cầu cao với các loại nông sản nhưng thị trường này yêu cầu tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm cao, đặc biệt giá thành đòi hỏi rất cạnh tranh.

Trả lời kiến nghị của Sở Công Thương Sơn La về việc đề nghị cung cấp thông tin về quy định, tiêu chuẩn, các vấn đề cần lưu ý và những khó khăn thách thức khi xuất khẩu nông sản nói chung, xoài, cà phê, chè nói riêng sang thị trường UAE, Thương vụ Việt Nam tại UAE thông tin, lĩnh vực nông nghiệp của UAE chỉ chiếm 0,9% trong cơ cấu kinh tế của nước này, do đó, UAE hầu như phải phụ thuộc vào nhập khẩu trái cây, nông sản, thực phẩm… để đáp ứng nhu cầu trong nước và tái xuất khẩu.

Cà phê

(Cà phê - một trong số các nông sản của Việt Nam được xuất khẩu sang UAE)

Do đó, UAE hầu như không có rào cản thương mại đối với việc nhập khẩu các sản phẩm nói trên. Tuy nhiên, các sản phẩm khi nhập khẩu vào UAE phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là về hàm lượng hóa chất, thuốc trừ sâu trên sản phẩm không được phép vượt quá mức quy định. Ngoài ra, đối với nhóm thực phẩm và đồ uống, mỹ phẩm … cần phải có giấy chứng nhận tiêu chuẩn Halal.

Mặt khác, UAE là thị trường mở, nên có thuận lợi là nhu cầu nhập khẩu nhiều loại sản phẩm để phục vụ tiêu dùng trong nước mà không bị hạn chế hay cấm. Tuy nhiên, khó khăn và thách thức đối với sản phẩm của Việt Nam là cạnh tranh về giá rất cao.

Các nhà nhập khẩu, phân phối và hệ thống siêu thị tại UAE hiện có nhiều nhà cung cấp từ nhiều quốc gia khác nhau cho cùng một loại sản phẩm, do đó, những sản phẩm như xoài, cà phê, chè của Việt Nam sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm cùng loại của Ấn Độ, Brazil, Indonesia, Thái Lan,….

Qua trao đổi với các nhà nhập khẩu, Thương vụ Việt Nam tại UAE lưu ý, khi xem báo giá cho cùng một sản phẩm từ các nhà cung cấp khác nhau, họ sẽ chỉ chọn nhà cung cấp có báo giá thấp nhất. Do đó, nếu nhà cung cấp nào báo giá cao là bị loại ngay.

Ngoài ra, Việt Nam cũng gặp thách thức bởi chi phí vận chuyển từ Việt Nam sang UAE cao hơn so với cước phí từ các nước có vị trí địa lý gần UAE hơn.

Tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - UAE 7 tháng năm 2023 ước đạt trên 2,66 tỷ USD, giảm 8,98% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng phi dầu khí của Việt Nam sang UAE ước đạt 2,26 tỷ USD, giảm 16,05%; tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ UAE đạt trên 410 triệu USD, tăng mạnh 70,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 7 tháng năm 2023, Việt Nam ước ghi nhận mức thặng dư thương mại lớn đối với UAE, ước đạt trên 1,85 tỷ USD.

Báo Công Thương

Nội dung liên quan