| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang UAE đạt 1,93 tỷ USD

Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) luôn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở khu vực Trung Đông, trong đó nước ta luôn duy trì vị thế xuất siêu sang nước này.

Điện thoại các loại và linh kiện là nhóm hàng đứng đầu xuất khẩu sang UAE

Theo số liệu thống kê, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang UAE đạt 3,85 tỷ USD. Tính đến hết tháng 6 năm 2023, kim ngạch này đạt 1,93 tỷ USD, giảm 16,05% so với cùng kỳ năm ngoái, do một số mặt hàng chính bị sụt giảm kim ngạch.

Đứng đầu nhóm hàng xuất khẩu là điện thoại các loại và linh kiện, với kim ngạch 1, 03 tỷ USD, giảm 28,21% so với cùng kỳ năm ngoái. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đứng thứ 2, với kim ngạch đạt 190,68 triệu USD, tăng 20,03% so với cùng kỳ năm ngoái. Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác là nhóm  hàng đạt kim ngạch lớn thứ 3, với 147,04 triệu USD, giảm 12,94% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chứng nhận Halai- cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị phần tại UAE

Đối với thị trường này, yếu tố giá và chất lượng luôn được ưu tiên hàng đầu, cụ thể thứ 2 hàng tuần, nhà nhập khẩu UAE sẽ xem xét giá chào của các nước gửi đến, giá nào cao hơn sẽ bị loại, thậm chí doanh nghiệp đang xuất khẩu vào UAE tuần này, sang tuần sau có thể mất đơn hàng

Bên cạnh đó, UAE là quốc gia Hồi giáo, hầu hết thực phẩm và đồ uống khi nhập khẩu vào UAE phải có chứng nhận Halal. Đây là một rào cản lớn, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần lưu ý. Tem mác dán trên bao bì thực phẩm, nên được dịch sang tiếng Arab, trong đó nêu rõ tên, xuất xứ sản phẩm, hàm lượng…

Vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Tiến sĩ Thani bin Ahmed Al Zeyoudi – Quốc vụ khanh phụ trách thương mại quốc tế, Bộ Ngoại thương UAE đã ký Tuyên bố cấp Bộ trưởng về việc khởi động đàm phán Hiệp định FTA Việt Nam – UAE (CEPA) ngay sau khi Việt Nam hoàn tất thủ tục trong nước.

(Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Tiến sĩ Thani bin Ahmed Al Zeyoudi – Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại quốc tế, Bộ Ngoại thương UAE ký Tuyên bố cấp Bộ trưởng về việc khởi động đàm phán Hiệp định FTA Việt Nam – UAE (CEPA) ngay sau khi Việt Nam hoàn tất thủ tục trong nước – Ảnh: Bộ Công Thương)

Ông Trương Xuân Trung, Bí thứ thứ nhất, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại UAE nhận định Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) được ký kết sẽ có ý nghĩa to lớn, là một cột mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UAE, mở ra một giai đoạn mới về hợp tác chiến lược chung trong nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và UAE.

Hiệp định sẽ là căn cứ pháp lý, tạo ra một nền tảng mới nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác chung về thương mại, đầu tư và năng lượng giữa hai nước, bằng cách giảm hoặc xóa bỏ thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, điều này sẽ tạo ra cơ hội tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, thúc đẩy dòng vốn FDI và tạo ra các cơ hội mới trên một số lĩnh vực quan trọng cho cộng đồng doanh nghiệp của cả hai nước.

Khi CEPA được ký kết, mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa. UAE được coi là trung tâm tài chính, thương mại của Trung Đông, là cửa ngõ quan trọng để đưa hàng hóa Việt Nam vào Trung Đông, châu Phi và châu Âu. Ngoài ra, UAE có vị trí địa lý chiến lược, có hệ thống logistics hiện đại sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam tiếp cận và mở rộng ra thị trường toàn cầu.

Vietnamexport

Nội dung liên quan