| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Xúc tiến thương mại nâng cao năng lực cạnh tranh

Năm 2009 kinh tế thế giới suy thoái, thương mại toàn cầu sụt giảm đã ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt nam, một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU…xuất khẩu đang gặp khó khăn. Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần tích cực chủ động hội nhập, thích ứng với tình hình thực tế hiện nay để duy trì hoạt động, ổn định và phát triển sản xuất vượt qua thời điểm khó khăn.

Trong bối cảnh hiện nay, việc nâng cao năng lực cạnh tranh trở thành vấn đề sống còn của doanh nghiệp, ngoài một số nhóm giải pháp như: Nâng cao năng lực hoạt động của doanh nghiệp, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, cải thiện môi trường và điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp, Phát triến các định chế hỗ trợ doanh nghiệp.

Thì hoạt động xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng một vai trò quan trọng cho tăng trưởng xuất khẩu. Thông qua nhiều hình thức như hoạt động quảng cáo trên báo chí, các phương tiện truyền thông nhằm cung cấp thông tin về thị trường và giới thiệu sản phẩm tới khách hàng. Việc tham gia hội chợ quốc tế được tổ chức hàng năm tại các nước ở các châu lục, là hình thức nâng cao năng lực marketing của doanh nghiệp, tiếp cận nhanh và hiệu quả nhất đối với hàng hóa cũng như thị trường để “biết mình, biết ta”. Chúng ta hội nhập, bằng người thật việc thật “trăm nghe không bằng một thấy” trưng bày sản phẩm tham gia hội chợ, để từ đây mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức mà doanh nghiệp có thể lượng hóa được về năng lực, lợi thế của sản phẩm cũng như khó khăn khi tiếp cận thị trường. Khi đã cập nhật được đầy đủ thông tin về: khách hàng, sản phẩm, chất lượng, giá cả, thị hiếu…các doanh nghiệp biết mình phải làm gì? để hóa giải, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu, đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng. Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, thuận lơi và thách thức bao giờ cũng đan xen, doanh nghiệp cần phải khắc phục để tự hoàn thiện mình hơn trong cơ chế thị trường.

 

 

Các doanh nghiệp Việt Nam, theo tổng hợp chung cho thấy phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô sản xuất và năng lực tài chính còn yếu. Do vậy việc tham gia hội chợ quốc tế để mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí trong xúc tiến thương mại, rất cần có sự phối kết hợp giữa các hiệp hội ngành nghề, với nhiều doanh nghiệp cùng tham gia nhằm đa dạng hóa các sản phẩm trưng bày tại hội chợ, với gian hàng lớn được tổ chức trưng bày theo quy mô quốc gia sẽ là lợi thế và hiệu quả hơn, dù doanh nghiệp nhỏ sản phẩm không nhiều, nhưng khách hàng vẫn sẽ đến và họ cũng có nhiều cơ hội, để lựa chọn sản phẩm của nhiều doanh nghiệp cùng ngành nghề bên cạnh những sản phẩm khác được trưng bày tại hội chợ.

Hội chợ là nơi trưng bày các sản phẩm mới, sản phẩm đã được cải tiến có chất lượng tốt hơn sản phẩm cùng loại trước đó. Để tạo ra bước đột phá về sản phẩm khi tham gia hội chợ, cần hạn chế tối đa việc một sản phẩm không được cải tiến mẫu mã và chất lượng mà năm nào cũng được mang ra trưng bày tại hội chợ, sẽ tạo ra sự nhàm chán, nghèo nàn về thông tin sản phẩm cho khách hàng. Khi tham gia hội chợ, các doanh nghiệp cần chọn những sản phẩm có thế mạnh, không ngừng được cải tiến về mẫu mã (đồ gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ, quần áo thời trang…) luôn nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng, cần thích ứng hóa sản phẩm nhằm thỏa mãn đến mức cao nhất nhu cầu thị trường. Ngoài ra năng lực cạnh tranh của hàng hóa, còn là chiến lược định giá sản phẩm của doanh nghiệp trên từng thị trường, giá cả phải thích hợp theo những biến động của thị trường, theo thời gian, mùa vụ, nhu cầu và thị hiếu, chính sách giá của đối thủ cạnh tranh ở một số quốc gia khác có cùng sản phẩm, sự co giãn của giá cả sản phẩm theo quy luật cung cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam có cùng sản phẩm, phải có sự bàn bạc thống nhất về giá tại thị tường, tránh bị ép giá và bị khách hàng lợi dụng.

Hoạt động xúc tiến thương mại: Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị  trường - Báo Đắk Lắk điện tử
(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ)

Để tạo lập được hệ thống phân phối hàng hóa có hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh tại thị trường nước ngoài, doanh nghiệp cần nghiên cứu thiết kế hệ thống phân phối, xác định đối tác xây dựng mạng lưới với quy mô phù hợp với năng lực của mình (hệ thông bán buôn, bán lẻ, phương thức bán hàng) để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Điều này phụ thuộc vào chiến lược thị trường, đây là nhân tố định hướng hoạt động của doanh nghiệp tại một thị trường hay một khu vực, cần phải nghiên cứu thị trường sở tại để nắm được các thông tin cần thiết: về cung cầu, giá cả, đối thủ cạnh tranh, hệ thống pháp luật, chính sách thuế, rào cản thuế quan, các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, phong tục tập quán, thị hiếu khách hàng, phân khúc thị trường…giúp cho doanh nghiệp tính toán, lựa chọn đưa giải pháp tối ưu trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bằng nhiều kênh, nhiều hình thức để doanh nghiệp có thể tiến hành nghiên cứu thị trường như thu thập thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng, trực tiếp với khách hàng thông qua hệ thông tiêu thụ, đại lý, tổ chức điều tra, khảo sát khách hàng, tổ chức hội nghị khách hàng và gặp gỡ đối tác ngay tại hội chợ. Hoạt động nghiên cứu thị trường quốc tế, đa số các doanh nghiệp còn thiếu thông tin, không chủ động và thiếu kế hoạch nên khi tiến hành thâm nhập thị trường thì gặp nhiều trở ngại, khó khăn. Do vậy việc các doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, thu thập, phân tích thông tin, đầu tư phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu thị trường, để tăng trưởng xuất khẩu và hạn chế tối đa các vụ kiện chống bán phá giá, nâng cao năng lực cạnh tranh. Mọi hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại chỉ hiệu quả khi việc quảng cáo gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm để xây dựng thương hiệu mạnh cho doanh nghiệp và dịch vụ hậu mãi hoàn hảo.

Năm 2009 sẽ không phải là một năm dễ dàng đối với các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng chúng ta lạc quan, tin tưởng với các nhóm giải pháp của chính phủ: kích cầu, hạ lãi suất ngân hàng, giảm thuế… tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp duy trì, phát triển tăng trưởng, cùng với sự cố gắng vươn lên hội nhập của mỗi một doanh nghiệp, thì khó khăn thách thức hiện nay sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, định hướng chiến lược phát triển, tố chức cơ cấu lại sản xuất, tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các thị trường xuất khẩu.

Thương vụ Việt Nam tại Bulgaria

Nội dung liên quan