| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Hội chợ dệt may tại Canada – nhìn từ kinh nghiệm tham gia của các cường quốc dệt may là đối thủ cạnh tranh

Hội chợ tìm nguồn cung hàng dệt may Toronto là hội chợ lớn nhất khu vực Bắc Mỹ và được tổ chức luân phiên hàng năm tại Toronto và Miami. Hội chợ diễn ra mới đây tại Trung tâm hội nghị Toronto từ ngày 7-9 tháng 11 năm 2022 và là hội chợ dệt may đầu tiên được tổ chức lại tại Canada kể từ năm 2019 sau Covid.

Hội chợ năm nay có sự tham gia của hơn 150 gian hàng từ 14 cường quốc dệt may trên thế giới như: Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Nepal, Pakistan, Hàn Quốc, Canada, Hoa Kỳ, Srilanka, Thụy Sĩ, Ghana, Đài Loan, Mông Cổ. Đã có trên 5000 công ty mua hàng đăng ký tham quan Hội chợ để tìm kiếm nguồn cung mới, trong đó có những nhà mua lớn như Walmart, Tesco, Rudsak, Moose Knookle, Levi’s, American Eagle...

Mặc dù quy mô và số lượng gian hàng của Việt Nam là nhỏ nhất so với các nước khác (Trung Quốc có hơn 50 gian hàng, Ấn Độ có hơn 20 gian hàng), mục tiêu của Việt Nam tham gia là để giới thiệu nền dệt may Việt Nam hướng đến công nghệ, đổi mới và các dự án thân thiện môi trường. Sự có mặt của gian hàng Thương vụ Việt Nam tại Canada và các cán bộ Thương vụ trong suốt thời gian triển lãm đã giúp đảm bảo sự hiện diện của Việt Nam trên bản đồ dệt may thế giới và hỗ trợ kết nối đơn hàng cho các doanh nghiệp Việt Nam không có điều kiện tham gia Hội chợ. Bên cạnh đó, sự tham gia của Thương vụ Việt Nam tại Canada vào các hoạt động hội thảo, đối thoại trực tiếp tại Hội chợ (do Liên đoàn dệt may Canada và Tổ chức chứng nhận sản xuất trách nhiệm toàn cầu phối hợp tổ chức) là nỗ lực để khuyến khích các nhãn hàng dệt may lớn của thị trường Bắc Mỹ quan tâm đến các cơ hội kết nối sản xuất và chuỗi cung ứng dệt may với thị trường Việt Nam mà CPTPP mang lại. Tại Hội chợ, Thương vụ Việt Nam cũng có buổi làm việc với Chủ tịch Liên đoàn dệt may Canada để trao đổi các hướng hợp tác giữa Canada với Việt Nam trong lĩnh vực dệt may tái chế, đào tạo chuyển đổi sản xuất tuần hoàn cho các doanh nghiệp Việt Nam và tổ chức các đoàn mua hàng vào Việt Nam.

Lần đầu tiên tham gia triển lãm tại Canada, Việt Vương hướng tới tìm kiếm các nhãn hàng cao cấp và cân đối chiến lược sản xuất. Việt Vương đã sớm triển khai từ 2019 quy trình sản xuất xanh để giảm ô nhiễm và là một trong những doanh nghiệp dệt may Việt Nam đầu tiên nhận được chứng chỉ LEED (Leadership in Energy and Environnmental Design). Hiện nay, 55% sản xuất của Việt Vương đang phục vụ thị trường Hoa Kỳ. Tham gia Hội chợ tại Toronto lần này, Việt Vương có tham vọng mở rộng mạng lưới đối tác nhập khẩu và sản xuất OEM cho thị trường Canada, nhằm vào những thương hiệu dệt may nổi tiếng toàn cầu của Canada, đặc biệt là những thương hiệu áo khoác chịu lạnh chất lượng cao của Canada. Tại Hội chợ, Việt Vương đã mang đến trưng bày nhiều sản phẩm và thiết kế mới sử dụng các vật liệu sáng tạo và không ô nhiễm môi trường. Để tạo hình ảnh ghi dấu ấn của công nghiệp may mặc Việt Nam tại triển lãm, clip trình chiếu của Việt Vương đã lựa chọn giới thiệu chiến lược phát triển xanh của công ty với hình ảnh nhà máy nằm giữa khu sinh thái rừng dừa tự nhiên của Việt Nam. Thông điệp của Việt Vương nói riêng và dệt may Việt Nam nói chung tại hội chợ là “Tiên phong nắm bắt được nhu cầu giảm dấu ấn carbon trong tiêu dùng dệt may để đạt mục tiêu giảm phát thải của thế giới và dẫn đầu xu hướng sản xuất tuần hoàn và sinh thái trong công nghiệp dệt may”. Đến thăm gian hàng của Việt Vương, các khách hàng rất hào hứng thưởng thức sản phẩm kẹo dừa và nước dừa Việt Nam. Nhờ phối hợp giữa quảng bá văn hoá, ẩm thực với truyền tải thông điệp môi trường và phát triển bền vững, gian hàng của Việt Vương là một trong những gian hàng thu hút được nhiều khách thăm quan và trao đổi kết nối.

Tại Hội chợ 2022, Trung Quốc vẫn có hơn 50 gian hàng, tuy nhiên, theo trao đổi của Giám đốc xuất nhập khẩu dệt may của Phòng Thương mại Trung Quốc, các doanh nghiệp Trung Quốc hiện vẫn ngần ngại tham gia các Hội chợ triển lãm ở nước ngoài do chính sách zero Covid của Trung Quốc. Khu gian hàng quốc gia Trung Quốc do Phòng Thương mại Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada hỗ trợ trưng bày. Là cường quốc dệt may, tại Hội chợ năm nay, Trung Quốc xây dựng khu gian hàng theo địa phương, trong đó tập trung giới thiệu Hồ Bắc, Chiết Giang, Vũ Hán, Phúc Châu và Tô Châu. Ngoài 10 doanh nghiệp vải sợi, các gian hàng Trung Quốc năm nay tập trung vào sản phẩm thể thao và quần áo hè, quần áo ở nhà, đồ ngủ, đồ thời trang và thường phục. Trung Quốc cũng quan tâm giới thiệu đồng phục, đồ thời trang nam, thời trang trẻ em và hàng dệt kim len. Các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia hội chợ hầu hết có kinh nghiệm xuất khẩu, có trang web song ngữ và thực hiện kết nối qua Alibaba. Mặc dù nhiều doanh nghiệp không có mặt trực tiếp tại hội chợ, nhưng nhờ thông tin mẫu hàng và giá đặt hàng rõ ràng (trên website và tại hội chợ), sẵn sàng thực hiện hợp đồng OEM với số MOQ nhỏ (100 mét đối với vải và 100 mẫu đối với mẫu hàng), Trung Quốc rất thành công trong việc tham gia hội chợ theo mô thức hybrid với nhiều đơn hàng kết nối thành công. Một điểm đáng lưu ý nữa là uy tín của các nhà sản xuất OEM Trung Quốc khá cao. Trao đổi với Thương vụ Việt Nam tại Hội chợ, thành viên Ban Tổ chức Hội chợ có chia sẻ sự “ngưỡng mộ” với năng lực đảm bảo chất lượng và giữ chữ tín giao hàng của doanh nghiệp Trung Quốc. Thực tế, đứt gẫy chuỗi cung ứng do Covid hầu như không diễn ra ở khâu sản xuất và cung ứng nguyên liệu mà chủ yếu ở khâu vận chuyển, logistics.

Bangladesh là đối thủ cạnh tranh lớn thứ hai của Việt Nam tại thị trường Canada. Số lượng gian hàng của Bangldesh tham gia Hội chợ là 16 doanh nghiệp, trong đó chỉ có một doanh nghiệp dệt vật liệu. Mặc dù vậy, khu gian hàng của Bangladesh khá ấn tượng (chủ yếu trưng bày hàng dệt kim, đồ thời trang và đồ lót), thể hiện tính chuyên nghiệp và bài bản khi tham gia triển lãm tại Canada. Thứ nhất, các banner và brochure quảng cáo đều sử dụng song ngữ Anh-Pháp. Thứ hai, các thông điệp của Bangladesh đều tập trung vào các mối quan tâm của ngành công nghiệp dệt may hiện nay: sản xuất bền vững và nguồn gốc vật liệu có đạo đức. Bên cạnh đó, các gian hàng của Bangladesh đều niêm yết rõ danh sách các chất liệu sẵn có để lựa chọn: cotton organic, cotton pha (spandex, vicose, tencel, bamboo, modal, linen, polyester…); len merino, len pha tơ tằm, len pha sợ cotton, len pha sợi tre; cotton tái chế; lanh pha vicosse, lanh pha sợi gai... Nguồn gốc vật liệu của Bangldesh cũng rất phong phú,  từ loại có chứng chỉ Pima, chứng chỉ BCI, hay bông Mỹ, bông Africa…  Đây là thế mạnh nổi bật của Bangladesh để cạnh tranh vì Bangladesh có năng lực rõ ràng trong ngành dệt nhuộm và nguồn nguyên liệu. Các gian hàng của Bangladesh không chỉ trưng bày đầy đủ các chứng chỉ sợi bền vững như OCS (Organic Cotton Standard), GOTS (Global Organic Textile Standard), GRS (Global Recycled Standard)… Các nhà máy tham gia triển lãm hầu hết đều có chứng chỉ LEED (chứng chỉ tiên phong về thiết kế năng lượng và môi trường). Ngoài ra, các nhà máy của Bangladesh đều có trang web tiếng Anh với giao diện dễ hiểu với các  định dạng email yêu cầu thuận tiện.

Ấn Độ với 20 gian hàng cũng thể hiện vị thế là cường quốc dệt may tại Hội chợ. Mặc dù chỉ đứng thứ 5 về giá trị kim ngạch xuất khẩu vào Canada với mã HS 61 và đứng thứ 8 với mã HS 62, hiện nay, Ấn Độ là nước có tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu dệt may mạnh nhất vào địa bàn, lần lượt là 49,1% và 71,7% so với cùng kỳ 9 tháng năm 2021. Mặc dù không có lợi thế như Mexico hay Việt Nam vì là thành viên CPTPP, cũng không được hưởng GSP như Campuchia hay Bangladesh, Ấn Độ vẫn đang rất nỗ lực tìm kiếm các đơn hàng mới tại thị trường Canada. Tỷ lệ người gốc Ấn chiếm phần lớn nhất trong cơ cấu dân cư châu Á tại Canada và cũng đang là nhóm nhập cư có tốc độ tăng trưởng cao. Vì vậy, bên cạnh nhóm hàng thời trang và thường phục, Ấn Độ tiếp tục chú trọng giới thiệu mảng trang phục truyền thống và dân tộc. Các sản phẩm thời trang chú trọng yếu tố “handmade”. Ngoài ra, Ấn Độ cũng thể hiện rõ sự quan tâm phát triển thị trường ngách của ngành dệt may, chú trọng quảng bá năng lực sản xuất phụ kiện dệt may như thắt lưng, phụ kiện sắt, phụ kiện hạt đính, dây kéo, ren, băng dán, băng chun... Các gian hàng của Ấn Độ đều niêm yết các chứng chỉ xác nhận tính tiên phong của doanh nghiệp trong các lĩnh vực: Thương mại lành mạnh (Fairtrade), Sản xuất tiêu chuẩn (ISO), Trách nhiệm xã hội (BSCI-Business social compliance initiative) và Môi trường bền vững (TCCC – Technically correct certified company; Oeko-Tex…)

Cũng giống như Bangladesh và Ấn Độ, Hàn Quốc rất quan tâm đến việc quảng bá năng lực sản xuất bền vững và trách nhiệm xã hội, môi trường. Với 14 gian hàng, Hàn Quốc chú trọng phối hợp trang trí chung thành Khu trưng bày quốc gia. Mặc dù chỉ có thị phần rất nhỏ tại Canada, Hàn Quốc đang cố gắng thâm nhập vào thị trường ngách là các mặt hàng thời trang cao cấp (Áo lông thú) và dệt kim. Tuy nhiên, phần đông các gian hàng của Hàn Quốc (12/14) là các gian hàng vật liệu dệt may, niêm yết rõ các đối tác thương hiệu lớn đang sử dụng vật liệu dệt may có nguồn gốc của Hàn Quốc. Nhờ đầu tư lớn vào các thiết bị trưng bày (tủ kệ, manequin, ánh sáng, tranh trang trí…), khu gian hàng của Hàn Quốc còn nổi bật nhờ đội ngũ nhân viên tham gia trưng bày và cho thử nghiệm sản phẩm, nhất là dòng sản phẩm shapeware. Bên cạnh đó, Hàn Quốc đặc biệt chú trọng giới thiệu các vật liệu cao cấp mới sáng tạo, ví dụ như:  sợi span co dãn, chống nước hoặc thấm nước tuỳ mục đích sản xuất (quần áo yoga, quần áo bơi, quần áo đánh golf…); sản phẩm da silicon, da bio và da tái chế… Trong số các gian hàng của Hàn Quốc, có 01 doanh nghiệp FDI có nhà máy tại Việt Nam và đặt cờ Việt Nam cùng cờ Hàn Quốc tại gian hàng như biểu tượng hợp tác.  

Một mô hình gian hàng quốc gia tham gia triển lãm đáng lưu ý nữa là Mông Cổ. Tại Hội chợ lần này, Mông Cổ có 04 gian hàng, cả 4 đều tập trung thế mạnh của Mông Cổ là mặt hàng cashmere ứng dụng. Hiện nay, Mông Cổ đang là một trong những nước đang phát triển, hưởng ưu đãi GSP và tập trung vào gia công dệt may, xuất khẩu nguyên liệu thô (len cashmere.) Tuy nhiên, tại hội chợ, 4 doanh nghiệp của Mông Cổ đều là doanh nghiệp thiết kế và may mặc hàng đầu của Mông Cổ. Trường hợp của Khanbogd còn là doanh nghiệp hiện diện toàn cầu, với chuỗi cửa hàng ở nhiều nước và hàng năm đều có show thời trang tại các Ý, Pháp… Mặc dù khu gian hàng của Mông Cổ có quy mô khá nhỏ, tuy nhiên, chính phủ Mông Cổ có sự quan tâm hỗ trợ lớn về nhân lực (cả Đại sứ và các nhân viên Sứ quán đều tham gia hỗ trợ suốt quá trình triển lãm cũng như quá trình chuẩn bị xin visa). Các doanh nghiệp Mông Cổ sẵn sàng bỏ chi phí thuê kiều bào tại Toronto để giúp quảng bá bằng tiếng Anh cho các gian hàng, giúp thúc đẩy công tác kết nối. Các gian hàng của Mông Cổ cũng chú trọng giới thiệu tính bền vững và trách nhiệm xã hội của các sản phẩm dệt may.

Từ kinh nghiệm tham gia Hội chợ dệt may của các cường quốc dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, cho đến các nước có thị phần nhỏ bé như Hàn Quốc, Mông Cổ, có thể thấy bài học thành công trước hết là ở tính kết nối và có tổ chức của các doanh nghiệp và sự tham gia hỗ trợ tích cực của Chính phủ (Mông Cổ) và Hiệp hội (Trung Quốc). Các doanh nghiệp tham gia trưng bày ở nước ngoài hầu hết đều nắm bắt được xu thế thị trường và yêu cầu của địa bàn Canada liên quan đến các tiêu chuẩn và quy định của ngành dệt may (kể cả xu hướng sản xuất xanh và sử dụng nguyên liệu tái chế). Các nước tham gia hội chợ, ngoài việc tìm kiếm các đơn hàng gia công, đã bắt đầu chú trọng đến giới thiệu sản phẩm may mặc mang thương hiệu riêng để tiếp cận thị trường nước ngoài.

Hội chợ năm nay có quy mô nhỏ hơn các năm trước Covid, cả về số lượng gian hàng lẫn số lượng khách nước ngoài tham quan hội chợ. Lý do chủ yếu vẫn là do các khó khăn trong quá trình xin visa nhập cảnh Canada hoặc do quy định xuất cảnh khó khăn (Trung Quốc vẫn duy trì chính sách zero Covid và quy định phải cách ly 3 tuần khi quay về) nên số lượng trực tiếp tham gia hội chợ không nhiều. Tuy nhiên, các gian hàng năm nay được đánh giá có tính tương tác cao nhờ việc sử dụng nhân công bản địa hoặc cán bộ đại diện hỗ trợ trưng bày (Việt Nam, Mông Cổ, Trung Quốc…). Đây là nhờ các doanh nghiệp đều đã quen với hình thức kết nối trực tuyến và có sự chuẩn bị tốt các tài liệu giới thiệu (tờ rơi, clip trình chiếu…). Ban tổ chức Hội chợ cũng khá quan tâm cập nhật các thông tin mới, hữu ích trong công nghiệp dệt may với chuỗi các hội thảo phổ biến thông tin kéo dài liên tục trong 3 ngày, bao trùm nhiều chủ đề: Đánh giá tình hình ngành công nghiệp dệt may; Kinh nghiệm khởi nghiệp cho các doanh nghiệp dệt may, Giải pháp cung ứng trong bối cảnh hiện nay; Vai trò của các chứng chỉ; Sử dụng FTAs để tối ưu hoá; Xử lý rác thải dệt may…

Hiện nay, dệt may là sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có kim ngạch lớn thứ hai vào Canada. Năm 2021, theo số liệu sở tại, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1,2 tỷ USD vào thị trường Canada, tăng 40.8% trong giai đoạn 2018-2022. Luân phiên hàng năm, tại Canada có hai hội chợ dệt may lớn đều diễn ra tại Toronto là Hội chợ tìm nguồn cung hàng dệt may Toronto và Triển lãm dệt may, da giày toàn cầu tại Canada. Ngoài ra, tại Canada còn có nhiều hoạt động hội chợ triển lãm trong ngành hàng tại các thành phố khác. Các doanh nghiệp quan tâm, mời truy cập Trang thông tin của Thương vụ tại vntradetoca.org và liên hệ với Thương vụ qua email: ca@moit.gov.vn và vntradetoca@gmail.com.

Thương vụ Việt Nam tại Canada

Nội dung liên quan