| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Tiềm năng hợp tác thương mại Việt Nam- UAE

UAE được biết đến là một quốc gia có nền kinh tế phát triển đa dạng dựa trên sức sáng tạo. Nền kinh tế UAE luôn có mức tăng trưởng ổn định trong những năm qua với thu nhập bình quân đầu người đạt 70.000 USD, đứng thứ 10 thế giới.

1. Thông tin chung về nền kinh tế UAE

UAE được biết đến là một quốc gia có nền kinh tế phát triển đa dạng dựa trên sức sáng tạo. Nền kinh tế UAE luôn có mức tăng trưởng ổn định trong những năm qua với thu nhập bình quân đầu người đạt 70.000 USD, đứng thứ 10 thế giới.

Trong những năm gần đây, phát triển kinh tế của UAE đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, được thể hiện trong báo cáo đánh giá xếp hạng của các tổ chức uy tín trên thế giới. Theo báo cáo đánh giá Môi trường kinh doanh thuận lợi toàn cầu (Global Doing Business Report) của Ngân hàng thế giới năm 2020, UAE đứng thứ 16/190 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và đứng thứ 2 trong các nền kinh tế Ả-rập, thậm chí cao hơn một số quốc gia tại châu Âu và châu Á. UAE nằm trong trong số ít quốc gia hàng đầu thế giới có chất lượng cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại, đứng thứ ba thế giới về chỉ số ứng dụng công nghệ trong phát triển của Chính phủ. Theo Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2020 của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), UAE cũng nằm trong nhóm 20 quốc gia đứng đầu thế giới về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.

Những kết quả nói trên của UAE đạt được nhờ nhiều yếu tố, trong đó có sự ổn định về chính trị, an ninh, cơ sở hạ tầng phát triển, môi trường pháp lý thuận lợi, giúp UAE trở thành trung tâm thương mại lớn trong khu vực và trên thế giới và là trạm trung chuyển quốc tế về hàng hải, hàng không kết nối Đông Tây. Hiện nay, UAE được đánh giá là điểm đến lý tưởng cho các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và lao động việc làm. Ngoài ra, UAE đã trở thành trung tâm kinh tế của thế giới Hồi giáo và được lựa chọn đăng cai tổ chức nhiều sự kiện quốc tế lớn như: Diễn đàn kinh tế Hồi giáo thế giới 2014, Hội nghị thượng đỉnh Năng lượng thế giới 2019 và Triển lãm thế giới Expo 2020 Dubai (sự kiện được hoãn tổ chức sang năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19).

2. UAE - Thị trường xuất khẩu tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam

Trong thời gian qua, quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - UAE ngày càng được củng cố và thúc đẩy trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại. Hiện nay, UAE là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng trong 10 năm trở lại đây, từ 729,8 triệu USD năm 2010 lên 5,17 tỷ USD năm 2019, chiếm tỷ trọng 36,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông. Đặc biệt, Việt Nam luôn là nước xuất siêu sang thị trường UAE.

uae

Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kinh tế UAE và Đại sứ UAE tại Việt Nam

chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - UAE

tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - UAE tháng 10/2019

Trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá trị trao đổi thương mại giữa Việt Nam và UAE chỉ đạt 4,3 tỷ USD, giảm 16,3% so với năm 2019, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE đạt 3,9 tỷ USD, giảm 18,2% và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ UAE đạt 418,6 triệu USD, tăng 5,8%. Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu sang UAE các mặt hàng: nông sản, thủy sản, hoa quả tươi, thực phẩm chế biến giá trị cao, vật liệu xây dựng, điện thoại di động, máy móc thiết bị phụ tùng, điện tử gia dụng, dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ… Với sức mua ngày càng tăng của thị trường nội địa với hơn 9 triệu người dân đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau đang sinh sống, học tập và làm việc, UAE được đánh giá là thị trường tiềm năng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, với vị trị là cửa ngõ giao thương giữa các châu lục Á - Âu - Phi và là một trong những trung tâm tài chính, thương mại của khu vực, UAE còn có vai trò là thị trường trung chuyển, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận sâu rộng hơn với nhiều thị trường khác trên thế giới.

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhằm tăng cường nghiên cứu, triển khai các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, công nghiệp, đầu tư... với phía UAE. Việt Nam luôn mong muốn và coi trọng việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với UAE. Chính phủ Việt Nam luôn hoan nghênh, khuyến khích và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp UAE sang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, trong khuôn khổ chính sách và các quy định pháp luật của Việt Nam. Đặc biệt, UAE là một trong những quốc gia đi đầu trong phát triển ngành năng lượng, năng lượng tái tạo, dầu khí và logistics - là những lĩnh vực mà Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm và mở rộng hợp tác với UAE hơn nữa trong tương lai.

Nội dung liên quan