Thời gian gần đây, nền kinh tế Lào đang phải đối mặt với nhiều thách thức trên nhiều phương diện, ảnh hưởng bởi cả yếu tố bên trong và bên ngoài. Sự cạnh tranh và những rào cản thương mại - đầu tư, sự biến động của thị trường vốn quốc tế và sự mất ổn định an ninh chính trị của một số nước đã gây ra những khó khăn cho tình hình kinh tế trên nhiều nước trong đó có Lào. Hơn nữa, sự bùng phát của dịch Covid-19 từ năm 2020 và thiên tai bão lũ những năm qua gây ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế đất nước.
Chính vì vậy, tăng trưởng kinh tế của Lào có xu hướng giảm trong 5 năm qua, từ 7% năm 2016 xuống còn 3,3% năm 2020. Việc quản lý kinh tế vĩ mô khó khăn do thiếu ổn định và thiếu hụt sự luân chuyển dòng tiền trong nền kinh tế. Nợ công ngày càng tăng cả trong hệ thống tài chính và tiền tệ, gây khó khăn về mặt kinh tế - tài chính. Tại Kỳ họp thứ 1 Quốc hội khóa IX, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Sonexay Siphandone đã tổng kết và đưa ra 5 vấn đề lớn và 4 nguyên nhân chính gây ra khó khăn như sau:
Hạ tầng kinh tế chưa vững chắc, còn dựa phần lớn vào bên ngoài, chưa xây dựng nền tảng huy động vốn trong nước một cách đầy đủ và bền vững: việc phát triển kinh tế dựa vào dự án đầu tư lớn của nước ngoài, đặc biệt là trong các lĩnh vực năng lượng - khai khoáng và xây dựng cơ sở hạ tầng (sử dụng lượng vốn lớn, song một số dự án lại có hiệu quả thấp); sản xuất trong nước còn dựa vào nông nghiệp, công nghiệp chế biến quy mô nhỏ và vừa và chưa vững mạnh; môi trường kinh doanh và chính sách khuyến khích chưa tạo điều kiện và thu hút đầu tư có chất lượng theo thế mạnh của Lào.
Thiếu cân đối ngân sách ở mức cao: thu ngân sách vào GDP giảm từ khoảng 17% các năm 2013-2015 xuống còn 15% năm 2019 và hiện nay chỉ còn ở ngưỡng 11-12% GDP. Nguyên nhân chính là do hệ thống thu ngân sách chưa vững chắc, gây thất thoát nhiều và một số cơ sở thu ngân sách đã bị dỡ bỏ; chi ngân sách cho những khoản không cần thiết và gây lãng phí; bộ máy nhà nước còn cồng kềnh và chồng chéo, chi phí cho việc vận hành còn cao; chi để khắc phục hậu quả thiên tai và trả nợ, dẫn đến thâm hụt ngân sách ở mức cao so với các nước trong khu vực (khoảng 5-10% GDP).
Nợ công tăng cao: thiếu hụt ngân sách ở mức cao liên tục là nguyên nhân khiến Lào phải vay thêm, dẫn đến nợ công có xu hướng ở mức cao hơn 60%. Quan trọng hơn, việc vay vốn nước ngoài để đầu tư vào các dự án có giá trị lớn trong thời gian qua không tạo nền tảng kinh tế vững chắc, hiệu quả thấp, không tạo ra thu nhập trực tiếp để bù vốn đầu tư vay, nhiều dự án không thể trả được lãi suất tiền vay.
Thiếu cân đối thanh khoản ngoại tệ ở mức cao: thiếu cân đối ngoại tệ đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ, thu nhập ngoại tệ từ việc xuất khẩu không được quay vòng vào kinh tế trong nước do cơ chế quản lý nguồn thu ngoại tệ vẫn chưa chặt chẽ; đầu tư nước ngoài sử dụng vốn vay là chủ yếu; nhập khẩu nhiều hàng hóa cho nhu yếu phẩm và phục vụ sản xuất trong nước; nghĩa vụ trả nợ nước ngoài ngày càng tăng khiến cho nhu cầu sử dụng ngoại tệ của Lào cao hơn khả năng cung cấp ngoại tệ, gây áp lực cho việc bảo đảm ổn định ngoại tệ quốc gia cũng như quản lý tỷ giá hối đoái và lạm phát.
Thiếu ổn định trong hệ thống tài chính - ngân hàng: mức nợ sinh ra từ ngân hàng kinh doanh (NPL) ở mức cao vì công tác quản trị, quản lý thiếu vững mạnh.
04 nguyên nhân chính gây khó khăn cho kinh tế - tài chính là:
Đảng và Chính phủ đã đề ra đường lối, chính sách kinh tế đúng đắn và phù hợp trong từng giai đoạn thông qua Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI cũng như Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện trên thực tế của một số Bộ, ban, ngành và các địa phương cũng như việc triển khai kế hoạch, dự án và biện pháp thực tế vẫn còn chậm chạp, hiệu quả chưa cao và thiếu chủ động trong công việc.
Việc quản lý nhà nước bằng pháp luật của các Bộ ban ngành và các tổ chức chính quyền nhiều nơi còn chưa nghiêm, là nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng tiêu cực trong kinh tế - tài chính và nợ công cao, đặc biệt là vi phạm kỷ luật trong kế hoạch - tài chính, gây ra kẽ hở thất thoát ngân sách, Việc không tuân thủ pháp luật và tổ chức thực hiện dự án đầu tư nhà nước theo đúng quy định là yếu tố dẫn đến nợ tăng cao.
Việc quản trị nhà nước còn chồng chéo, nhiều thủ tục phức tạp, việc phân cấp quản lý theo hướng “3 Xây” vẫn chưa rõ ràng, thiếu sự phối hợp giữa ngành dọc - ngành ngang một cách hài hòa dẫn đến kẽ hở, lợi dụng của nhà chức trách; môi trường kinh doanh vẫn chưa thuận lợi.
Việc vận động nhân dân, nhà kinh doanh, các cơ quan trong xã hội để thúc đẩy sản xuất và dịch vụ và tham gia thực hiện quyền và nghĩa vụ mà nhà nước chưa được tốt và sâu sắc.