| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Khái quát về nền kinh tế Maroc

Nền kinh tế Vương quốc Maroc có điều kiện phát triển tốt do quốc gia này có vị trí địa lý thuận lợi, gần châu Âu và nằm trên tuyến giao thương nối Ấn Độ dương với Đại Tây dương, cũng như có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp cho phát triển nhiều lĩnh vực sản xuất, trong đó có sản xuất nông nghiệp.

Trong quá khứ, kinh tế Maroc đã trải qua nhiều thời kỳ, trong đó có những giai đoạn khó khăn, nợ công tăng cao. Tuy nhiên, kể từ khi Đức Vua Mohammed VI lên ngôi vào tháng 7/1999, với những định hướng và chính sách tích cực, nền kinh tế Maroc đã chuyển sang giai đoạn mới, đạt nhiều thành tựu nổi bật. Kinh tế Maroc trong những năm gần đây đã tăng trưởng ổn định, tình hình lạm phát cơ bản được kiểm soát tốt, tỷ lệ thất nghiệp giảm dần, thâm hụt ngân sách được duy trì trong ngưỡng cho phép và tình trạng nợ công được cải thiện rõ rệt.
Năm 2017, kinh tế Maroc đạt tăng trưởng 4,8%, là mức tăng ấn tượng so với cùng kỳ năm 2016 (chỉ đạt 1,2%). 
Về cơ cấu GDP, dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất (56%), tiếp theo là công nghiệp (29,1%) và nông nghiệp chiếm 14,8% (theo thống kê năm 2017).
Năm 2017, GDP theo đầu người của quốc gia này đạt xấp xỉ 3250 USD, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2016 (3150 USD). 
- Tổng GDP và tỷ lệ tăng trưởng:

Năm (tỷ USD) 2015 2016 2017
GDP 100,59 101,45 110,2
Tăng trưởng 4,6% 1,2% 4,8 %
- Tăng trưởng công nghiệp : 2,6% (2017).
- Tỷ lệ thất nghiệp : 9,3% (2017).
- Thâm hụt ngân sách : -3,7% (2017).
- Tỷ lệ lạm phát :
Năm 2015 2016 2017
Lạm phát (theo giá thị trường ) 1,6% 1,6% 0,9%
- Một số ngành kinh tế trọng điểm : Sản xuất nông nghiệp, du lịch, công nghiệp ô tô, khai khoáng (trong đó có khai thác phốt phát), may mặc, thủy sản … 
- Xuất khẩu :

Năm 2015
(tỷUSD) 2016 (tỷUSD) 2017
(tỷUSD) Tỷ lệ tăng
Xuất khẩu 19,1 20,6 21,8 7,4%
Nhập khẩu 33,4 37,7 39,5 4 %
Cán cân thương mại -14,3 -17,1 -17,7 -16,3
- Hàng XK chính : Quần áo, hàng may mặc, ô tô, thiết bị điện, sản phẩm hóa chất vô cơ, khoáng sản thô, phân bón, dầu lửa, hoa quả có múi ; rau quả, cá, hải sản…
- Đối tác chính : Tây Ban Nha 23,4%, Pháp 21,1%, Ý 4,6%... Ngoài ra còn có các đối tác khác như : Ấn độ, Anh, Nhật, Đức, Brazil, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Ả Rập Xê út, Senegal, Algeria, Thụy sỹ…
- Nhập khẩu : 2016- 36,59 tỷ USD ; 2017- 39,64 tỷ USD ; 
- Hàng nhập khẩu chính : Xăng dầu, sợi, vải, thiết bị viễn thông, khí gas, sản phẩm nhựa, hoa quả đóng hộp, lương thực thực phẩm, dầu mỏ,quần áo may sẵn, thiết bị viễn thông, điện thoại di động, máy móc, thiết bị điện,máy tính điện tử,lúa mì, gạo, khí đốt, mạch điện tử, bán dẫn, chất dẻo, hồi, quế, hạt tiêu, cà phê,ô tô , xe máy nguyên chiếc các loại 4 kỳ, cá tra, các sản phẩm chế biến từ gạo như bánh tráng, bánh phở,quạt điện,điều hòa không khí, sơn xây dựng,đồ gỗ gia dụng.…
- Đối tác chính : Tây Ban Nha 15,7%, Pháp 13,2%, Trung Quốc 9,1%, Mỹ 6,4%, Đức 5,9%, Ý 5,4% , Thổ Nhỹ Kỳ 4,4%... Ngoài ra, còn có các đối tác như : Ấn Độ, Trung Quốc,Việt Nam, Nhật Bản, Bỉ, Thụy Sỹ,Hà lan, Thụy Điển, Đài Loan...
- Dự trữ ngoại hối : 2016-25,37 tỷ USD ; 2017- 22,97 tỷ USD ;
- Nợ công : 2016-44,65 tỷ USD ; 2017- 45,72 tỷ USD.
- Đầu tư trực tiếp nước ngoài : 2016-54,78 tỷ USD ; 2017- 57,81 tỷ USD. 
- Đầu tư ra nước ngoài : 2016-5,2 tỷ USD ; 2017- 4,49 tỷ USD.
Sáu tháng đầu năm 2018, kinh tế Maroc đạt kết quả tích cực. Theo nhận định của các chuyên gia, nếu duy trì tình hình sản xuất và trao đổi ngoại thương như trong nửa đầu năm, kinh tế Maroc có thể đạt tăng trưởng từ 3-3,2% cả năm 2018.
Nhằm tăng cường hội nhập và tận dụng cơ hội từ bên ngoài, Maroc đã tham gia đàm phán và ký kết nhiều thỏa thuận đa phương và song phương, đặc biệt có các thỏa thuận quan trọng như Hiệp định ký kết với khu vực mậu dịch tự do Liên minh châu Âu, Hiệp định với Hoa Kỳ và một số hiệp định ký với các quốc gia khác trong và ngoài khu vực. Về cơ bản, các hiệp định đều có ý nghĩa quan trọng và đem lại tác động tích cực, cũng như những lợi ích thiết thực cho nền kinh tế Maroc. Trong đó, đơn cử là Hiệp định ký với EU đã đem lại lợi ích to lớn do quan hệ giao thương giữa Ma Rốc và Liên Minh châu Âu vốn đã rất phát triển. Năm 2017, xuất khẩu của Maroc sang châu Âu chiếm tới 64,6% tổng KNXK, nhập khẩu từ châu Âu tương đương 56,5% tổng KNNK. Maroc là đối tác thương mại thứ 22 của châu Âu.
Với lực lượng lao động dồi dào (hơn 12 triệu), giá nhân công được nhận định là rẻ so với các nước trong khu vực, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đặc biệt với những chính sách thu hút đầu tư ngày càng cởi mở, nền kinh tế Maroc có những điều kiện tốt để phát triển và hội nhập sâu rộng hơn nữa trong thời gian tới. 
Định hướng lớn trong chính sách thương mại và đầu tư:
Trong thời gian tới, Maroc có chủ chương cân đối giữa tập trung vào thị trường nội địa và thúc đẩy xuất khẩu theo hướng hài hòa. Một mặt, Chính phủ đề ra mục tiêu thúc đẩy sản xuất để đảm bảo nhu cầu trong nước, nhất là vấn đề đảm bảo an ninh lương thực được đặt làm trọng tâm. Tuy nhiên, vấn đề thúc đẩy xuất khẩu nhằm tăng thu ngân sách cũng được Maroc chú trọng thực hiện, trong đó vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài để phát triển sản xuất trong nước và tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu là mục tiêu chiến lược của quốc gia này. 
Chính phủ Maroc tập trung thúc đẩy xuất khẩu đối với các mặt hàng có thế mạnh như phốt phát, phụ tùng ô tô, phân bón, rau củ quả... Có thể nói, đây là những định hướng mang tính chiến lược, tập trung vào các thế mạnh sẵn có của quốc gia nhằm phát triển kinh tế. 
Việc tăng cường mở rộng đối tác thương mại ra tất cả các khu vực thị trường, trong đó có các thị trường châu Á, thị trường ASEAN là xu hướng rõ ràng của Chính phủ Maroc trong những năm gần đây và sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian tới.
Về thu hút đầu tư, Maroc ngày càng cho thấy định hướng rõ rệt về việc xây dựng một nền kinh tế cởi mở, hội nhập sâu, tạo những cơ chế thuận lợi để thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh. 
Các lĩnh vực Chính phủ Maroc ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài có thể kể đến như : khai khoáng, du lịch, xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng kho cảng, sản xuất các sản phẩm viễn thông, hàng hóa tiêu dùng, đồ gia dụng…
Maroc sẽ tiếp tục rà soát chính sách để tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư kinh doanh, trong đó có việc nỗ lực rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép đầu tư, cũng như tạo thuận lợi hơn cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, đây là vấn đề cần thời gian vì có liên quan tới việc điều chỉnh mang tính đồng bộ và sự phối hợp của nhiều cơ quan quản lý có liên quan.

Anh-ban-do-Maroc-lP5Gd.png

Thương vụ ĐSQ Việt Nam tại Maroc

Nội dung liên quan