Theo nhận định của một số tổ chức và nhà phân tích chiến lược quốc tế, khu vực Trung và Đông Âu đã trở thành nơi trú ẩn tương đối an toàn trong các thị trường mới nổi, tránh làn sóng bán tháo cổ phiếu.
Trên thực tế, thị trường chứng khoán ở Trung và Đông Âu đã tăng 1,2% trong quý III năm 2013, so với mức giảm 7,5% tính chung cho các thị trường mới nổi. Các đồng nội tệ như zloty của Ba Lan và leva của Bungari đều tăng giá so với đồng USD kể từ đầu năm. Để so sánh thì đồng rupee của Ấn Độ và đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đều giảm xuống mức thấp kỷ lục trong thời gian qua. Đối mặt với những thua lỗ ở một số thị trường mới nổi châu Á và Nam Mỹ, các nhà kinh doanh tiền tệ cũng đã đổ dồn tiền vào các tài sản như đồng forint của Hungari và các cổ phiếu ngân hàng tại CH Séc.
Phụ trách nghiên cứu kinh tế và chiến lược tiền tệ tại Record Currency Management Ltd, ông Javier Corominas cho biết: “Trung và Đông Âu đã trở thành một nơi trú ẩn an toàn trong các thị trường mới nổi”. Công ty này đã tiến hành mua vào trong quý III năm 2013 đồng forint của Hungari và đồng zloty của Ba Lan. Họ đang đánh cược rằng các nước Tây Âu sẽ tăng trưởng trở lại sau thời kỳ suy thoái kéo dài và sẽ thúc đẩy nhu cầu mua sắm đối với xe ôtô, thiết bị và các hàng hóa khác được sản xuất tại Đông Âu. Bên cạnh đó, các nhà phân tích chiến lược quốc tế cũng cho rằng khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang dần phục hồi và dường như đang thoát ra khỏi cuộc suy thoái dài nhất kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Ngoài ra giới đầu tư cho rằng giá cổ phiếu ở khu vực Trung và Đông Âu vẫn đang thấp so với lợi nhuận cúa các doanh nghiệp, do đó tạo cơ hội cho các nhà đầu cơ. Theo các nhà phân tích của Morgan Stanley Capital International (MSCI), giá cổ phiếu khu vực này đã giảm 34% so với mức đỉnh điểm năm 2011. Từ tháng 5 năm 2013, các nhà đầu tư của MSCI đã dồn vốn 230 triệu USD, chủ yếu để mua cổ phiếu của Ba Lan.