Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, đến ngày 13.6.2023, Hải Dương đã thu hoạch được hơn 32 nghìn tấn vải. Ngoài tiêu thụ tại thị trường trong nước thì khoảng 16 nghìn tấn vải đã được xuất sang thị trường các nước, chiếm 50% tổng sản lượng vải đã thu hoạch, tương đương cùng kỳ năm trước.
Hải Dương kiểm soát nghiêm ngặt quy trình chăm sóc, thu hoạch và bảo quản đối với vải thiều
Toàn bộ diện tích trồng vải đều được hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, đủ điều kiện tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính đòi hỏi kiểm soát nghiêm ngặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tuân thủ đúng, đầy đủ quy trình chăm sóc, thu hoạch và bảo quản. Những vườn vải thiều chính vụ được các hộ dân theo dõi, chăm sóc cẩn thận theo quy trình sản xuất, ghi chép ngày giờ bón phân, tưới nước, sử dụng đúng loại thuốc phòng trừ sâu bệnh đã được chỉ định...
Đến nay, toàn tỉnh Hải Dương đã có 199 mã số vùng trồng vải được cấp với tổng diện tích 1.119 ha và 21 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ, Australia, Newzeland, Nhật Bản, Thái Lan.
(Vải thiều Hải Dương đều được hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP)
Riêng huyện Thanh Hà hiện có 45 vùng sản xuất vải đã được cấp 168 mã số vùng trồng xuất khẩu và đang hoàn thiện các quy định để duy trì 11 mã số cơ sở đóng gói đã được cấp, đăng ký cấp mới 3 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc với công suất 500 tấn/ngày.
Cho đến nay đã có 3 nghìn tấn vải thiều Thanh Hà đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường cao cấp như Nhật Bản, Mỹ, Australia, số còn lại tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc.
Hải Dương cam kết đa dạng hóa thị trường xuất khẩu song song với giữ vững thị trường trong nước đối với sản phẩm vải thiều
Nhận thức được yêu cầu ngày càng cao của thị trường, Bà Lương Thị Kiểm- Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Hải Dương cho biết tỉnh đang hướng tới phát triển đa giá trị của sản phẩm nông nghiệp, vừa phát triển du lịch sinh thái, vừa hình thành vùng trồng tập trung, vùng nguyên liệu sạch, hữu có cho các sản phẩm nông sản, trong đó có vải thiều. Theo đó, mỗi thị trường xuất khẩu có một tiêu chí riêng nên Hải Dương đã tổ chức ký cam kết với hệ thống các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn cho đội ngũ này để giúp cơ quan chuyên môn tư vấn cho người trồng sử dụng đúng và hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật cho vải thiều.
Để chủ động trong khâu tiêu thụ, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương và UBND huyện Thanh Hà đã tổ chức ký kết hợp tác tiêu thụ vải giữa các HTX, hộ sản xuất và doanh nghiệp.Phương châm của Hải Dương trong chiến lược tiêu thụ vải năm nay là “đa dạng hóa thị trường xuất khẩu song song với giữ vững thị trường trong nước”.
Ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương cho biết, ngay từ đầu mùa vải, ngành công thương đã sớm triển khai xúc tiến thương mại. Ngành đã kết nối với các tỉnh thành phố, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị lớn, sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá chất lượng, sản lượng vải Hải Dương và thông qua hội nghị quốc tế để giới thiệu quả vải Thanh Hà tới thị trường mới.
Huyện Thanh Hà cũng đã xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại tại nhiều tỉnh thành phố, tập trung phối hợp với trung tâm, siêu thị lớn tại các thành phố tập trung dân cư, khu công nghiệp; tổ chức Tuần lễ Vải thiều Thanh Hà tại Hà Nội; lập đoàn xúc tiến thương mại sản phẩm vải thiều tại một số địa phương, cửa khẩu,….
Các bài viết liên quan:
- Vải thiều Thanh Hà, Top 10 trái cây đặc sản ngon nhất thế giới hứa hẹn vụ mùa bội thu
- Xuất khẩu vải thiều đang nhận được nhiều tín hiệu tích cực tại Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản
- Hải Dương nâng cao chất lượng vải thiều Thanh Hà cho xuất khẩu
- Vải thiều Thanh Hà- Chất lượng thượng hạng
- Hải Dương tạo mọi điều kiện để AEON tìm hiểu, thu mua vải thiều Thanh Hà
- 50% sản lượng vải thiều Hải Dương đã xuất khẩu
- Vải thiều Thanh Hà: Ngọt lành bay xa
- Hải Dương: Vải thiều Thanh Hà “ Bay cùng thực khách"