Trong 9 tháng năm 2024, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước ASEAN đạt 61,7 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu mới nhất từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), trong 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thị trường ASEAN đạt 54,9 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2023. Ước 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 61,7 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 8 tháng qua, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước trong khu vực ASEAN đạt 24,7 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu hầu hết sang thị trường các nước trong khu vực tăng trưởng cao như: xuất khẩu sang Brunei tăng 568%, Singpare 33,5%, Indonesia 23,7%, Lào 20,7%, Thái Lan 7,3%... Riêng xuất khẩu sang thị trường Myanmar giảm 36,7%...
Ngược lại, trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ khu vực ASEAN đạt 30,2 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2023. Nhập khẩu từ tất cả thị trường đều tăng, trong đó Brunei (252%), Lào (25,7%), Campuchia (28,5%), Malaysia (22.5%)...
Đáng chú ý, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, ASEAN tiếp tục là điểm sáng về kinh tế với dự báo tăng trưởng năm 2024 là 4,6% và năm 2025 là 4,8%, vượt xa mức trung bình của thế giới.
Nhằm tăng cường kết nối và liên kết giữa các nền kinh tế, ASEAN quyết tâm đẩy nhanh đàm phán các Hiệp định cả nội khối và giữa ASEAN với các đối tác như nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN, đàm phán Hiệp định khung ASEAN về cạnh tranh, thúc đẩy hoàn tất cơ bản đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc, hoàn thành thủ tục phê duyệt Nghị định thư thứ 2 sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Úc-New Zealand.
Nhiều khuôn khổ hợp tác được thúc đẩy, thể hiện sự chủ động của ASEAN trong việc nắm bắt và tận dụng các động lực tăng trưởng mới như đàm phán Hiệp định Kinh tế số ASEAN, Thỏa thuận khung về Lưới điện ASEAN, Kế hoạch hành động ASEAN về nông nghiệp bền vững, Lộ trình về tiêu chuẩn thương mại số ASEAN… Hợp tác giữa ASEAN với các đối tác trong các lĩnh vực này cũng được đẩy mạnh, góp phần đưa quan hệ, kết nối kinh tế, thương mại, đầu tư ngày càng đi vào chiều sâu và thiết thực.
Không những vậy, những năm qua, hợp tác văn hóa - xã hội được tăng cường, chú trọng ứng phó các thách thức đang nổi lên như biến đổi khí hậu, môi trường, hướng mạnh vào các nhóm dễ bị tổn thương với nhiều hoạt động có ý nghĩa như Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần thứ 3 về thúc đẩy nền kinh tế chăm sóc, Diễn đàn Trẻ em ASEAN, ưu tiên tái cơ cấu chiến lược thu hẹp khoảng cách phát triển...
Phát huy hiệu quả tinh thần “ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường”, ASEAN dưới vai trò dẫn dắt của Lào trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2024 đạt nhiều kết quả tích cực trong tiến trình xây dựng Cộng đồng trên cơ sở triển khai các kế hoạch tổng thể năm 2025 trên cả 3 trụ cột: Chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, củng cố nền tảng và tạo đà cho giai đoạn phát triển tiếp theo của Hiệp hội, hướng tới các mục tiêu về một Cộng đồng tự cường, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm, gắn kết chặt chẽ, hợp tác sâu rộng hơn đến năm 2045.