| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Niger mở lại không phận và quan hệ thương mại với Việt Nam

Chính phủ Niger đã quyết định mở lại biên giới trên không kể từ ngày 1/8/2020 sau khi có những tiến triển tích cực trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, biên giới trên bộ vẫn đóng cửa.

Tính đến ngày 31/7/2020, quốc gia Tây Phi này đã ghi nhận 1134 ca nhiễm Covid-19, trong đó 69 trường hợp tử vong và 1.028 người khỏi bệnh.

Thông cáo của Chính phủ Niger nêu rõ, «Hành khách đến Niger phải kiểm tra nhiệt độ kể cả đối với quan chức và nhà ngoại giao và phải xuất trình một giấy chứng nhận âm tính Covid-19 cấp trước đó dưới 72h». Ngoài ra, hành khách còn phải tự cách ly tại nhà, khử trùng hành lý khi đến Niger. Đối với người đến lưu trú trong thời gian ngắn, việc tự cách ly là không cần thiết song sẽ được tư vấn để tôn trọng triệt để những biện pháp y tế an toàn.

Tương tự, khi rời khỏi Niger, ngoài kiểm tra nhiệt độ, hành khách cũng phải xuất trình giấy chứng nhận âm tính Covid-19 cấp dưới 72h. Trong trường hợp hoãn chuyến bay, khách phải kiểm tra y tế lại (mất phí) tại những điểm kiểm tra ở sân bay.

Nền kinh tế Niger

Cộng hòa Niger nằm ở khu vực Tây Phi, là quốc gia không có biển, tiếp giáp với Algeria, Burkina Faso, Chad, Libya và Mali. Niger có dân số 22 triệu người và diện tích 1.267.000 km² (trong đó ¾ là sa mạc). 80% người dân theo đạo Hồi, phần còn lại theo đạo cổ truyền đạo và Thiên chúa giáo. Thủ đô của Niger là Niamey, ngôn ngữ chính thức là tiếng Pháp, đơn vị tiền tệ là đồng Franc CFA.

Niger là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Từ nhiều năm nay, nước này phải đối mặt với tình trạng bạo lực của các nhóm thánh chiến đang hoành hành tại khu vực Sahel (các nước nằm ở rìa sa mạc Sahara). GDP năm 2020 ước đạt 10,35 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 1%, trong đó nông nghiệp đóng góp 39,2%, công nghiệp 15,5% và dịch vụ 39,0%. GDP bình quân theo đầu người vào khoảng 470 USD/năm. 80% dân số sống bằng nghề nông với các sản phẩm sản chính là lúa mì, lạc, bông, thuốc lá, mía…

Những năm mất mùa, Niger phải nhập 40% ngũ cốc, trong đó khoảng 250.000 tấn gạo. Chăn nuôi chủ yếu là dê và cừu chiếm gần 1/3 giá trị sản xuất nông nghiệp. Gần nửa ngân sách của nước này đến từ viện trợ của nước ngoài.

Niger có tài nguyên thiên nhiên phong phú trong đó uranium và dầu lửa là hai nguồn thu ngoại tệ chính. Ngoài ra còn có vàng, sắt, thiếc, chì, mangan, ... Công nghiệp chế biến chủ yếu tập trung vào các hoạt động sản xuất xà phòng, chất tẩy và chế biến nông sản.  

Niger cũng có tiềm năng du lịch lớn, nhất là khu vực sa mạc Sahara ngày càng thu hút được nhiều khách tham quan. Người châu Âu cũng rất thích đi du lịch trên dòng sông Niger.

Nhờ các hoạt động khai thác dầu mỏ, xây dựng và viễn thông, nước này có mức tăng trưởng kinh tế cao, đạt 5,2% nãm 2018 và 6,5% năm 2019.

Về xuất khẩu của Niger, kim ngạch đạt 1,3 tỷ USD năm 2018 với các mặt hàng chính là quặng uranium, dầu thô, gia súc, hành, đậu đũa... Các thị trườngxuất khẩu chính gồm có Pháp, Nigeria, Trung Quốc, Thái Lan và Ghana.

Kim ngạch nhập khẩu đạt 2,2 tỷ USD với các mặt hàng lương thực, máy móc, phương tiện vận tải, ngũ cốc và xăng dầu. Các nước cung cấp hàng hóa chính gồm Pháp, Trung Quốc, Nigeria, quần đảo Polynesia thuộc Pháp, Togo và Bờ Biển Ngà.       

Niger là quốc gia không có biển nên hàng hóa xuất nhập khẩu chủ yếu quá cảnh qua cảng Cotonou của Benin, cách thủ đô Niamey khoảng 1000 km.

Để đối phó với tình hình dịch bệnh, cuối tháng 3/2020, Tổng thống Niger ông Issoufou Mahamadou, đã thông báo một loạt biện pháp kinh tế-xã hội với chi phí lên tới 597 tỷ franc CFA (gần 1 tỷ USD) tương đương 7% ngân sách đất nước. Đây là những biện pháp chưa từng có đối với một nước như Niger khi các khoản chi cho an ninh chiếm tới gần 20% ngân sách.

Do Covid-19, Niger buộc phải điều chỉnh giảm tỷ lệ tăng trưởng từ 6,9% năm 2020 xuống còn 1%. Các lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất là du lịch, xây dựng, vận tải, nhà hàng và khách sạn.

Quan hệ thương mại Việt Nam-Niger

Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Niger vẫn còn khiêm tốn do quy mô thị trường Niger nhỏ, không có cảng biển và tình trạng bất ổn chính trị. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2018, trao đổi thương mại hai chiều đạt 9,7 triệu USD, trong đó nước ta xuất khẩu 7,5 triệu USD và nhập 2,2 triệu USD hàng hóa các loại. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam gồm hàng dệt may (7,4 triệu USD), túi xách, vali, mũ, ô dù, giày dép, sản phẩm từ cao su… Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm điều thô (1,95 triệu USD), thức ăn gia súc và nguyên liệu, gỗ và sản phẩm gỗ, vừng…

Hoàng Đức Nhuận

Thương Vụ Việt Nam tại Algeria

Nội dung liên quan