Ngành da giày là một trong ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, với đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu quốc gia. Việt Nam hiện là nước xuất khẩu giày dép đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Sự gia tăng này không chỉ xuất phát từ năng lực sản xuất, mà còn nhờ vào việc Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mang lại nhiều cơ hội xuất khẩu lớn cho ngành.
Theo số liệu năm 2023, xuất khẩu giày dép của Việt Nam đã đạt hơn 20,24 tỷ USD, mặt hàng giày dép Việt Nam có mặt trên hơn 150 thị trường trên toàn cầu. Các thị trường chính của giày dép Việt Nam bao gồm EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Đặc biệt, nhờ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA), thị trường EU đã chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép, tăng mạnh so với trước khi Việt Nam tham gia EVFTA, khi chỉ đạt khoảng 23%.
FTA, đặc biệt là EVFTA, đã giúp ngành da giày mở rộng cánh cửa tới nhiều thị trường tiềm năng, với mức thuế ưu đãi và giảm dần các rào cản thương mại. Điều này mang lại lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp da giày Việt Nam khi tiếp cận thị trường quốc tế, đặc biệt là trong việc nâng cao sản lượng xuất khẩu và mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, doanh nghiệp da giày Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết lợi thế và dư địa của các hiệp định này mang lại. Do vậy, để có thể tìm được lời giải cho bài toán này, Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan đầu mối về đàm phán và thực thi FTA đã và đang tăng cường kết nối với bộ ngành, địa phương, hiệp hội và các bên liên quan để tạo hệ sinh thái liên kết nhằm giúp ngành da giày tận dụng FTA hiệu quả.
Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của việc tận dụng FTA là năng lực sản xuất và công nghệ còn hạn chế. Ngành chủ yếu tập trung vào gia công, với tỷ lệ sản phẩm xuất khẩu tự sản xuất còn rất nhỏ. Đặc biệt, tỷ lệ nguyên liệu nội địa trong ngành da giày rất thấp, phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài, chiếm khoảng 55% giá trị đầu vào.
Trong bối cảnh đó, việc xây dựng một hệ sinh thái tận dụng FTA cho ngành da giày trở thành yêu cầu cấp bách và thiết thực. Hệ sinh thái này không chỉ giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích từ các FTA, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nâng cao khả năng sản xuất và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Tham gia vào hệ sinh thái FTA, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ về vốn từ các tổ chức tín dụng, giúp họ giảm bớt gánh nặng tài chính trong quá trình đầu tư nâng cao năng lực sản xuất. Hơn nữa, hệ sinh thái này còn thúc đẩy văn hóa kết nối và hợp tác giữa các doanh nghiệp, giúp họ dễ dàng xử lý các vướng mắc và rào cản kỹ thuật trong quá trình xuất khẩu.
Đặc biệt, hệ sinh thái FTA sẽ giúp ngành da giày tăng cường sử dụng các nguồn nguyên liệu nội địa, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ bên ngoài. Điều này không chỉ giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm mà còn tạo sự bền vững cho ngành trong bối cảnh thị trường quốc tế ngày càng khắt khe về yêu cầu tiêu chuẩn sản phẩm và bảo vệ môi trường.