So với các nước khác trong khu vực, kinh tế Bungari được cho là ít chịu tác động của khủng hoảng và suy thoái tại châu Âu. GDP Bungari đạt tăng trưởng dương 0,4% năm 2010, 1,7% năm 2011 và 0,8% năm 2012. Theo Eurostat , năm 2012 Bungari là một trong 10 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) có GDP tăng trưởng dương.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, GDP Bungari tiếp tục tăng trưởng 0,2% so với cùng kỳ năm 2012.
Trong lĩnh vực đầu tư, với nhiều chính sách hấp dẫn mời gọi đầu tư: chính sách thuế, thủ tục hành chính được tinh giảm, cơ sở hạ tầng phát triển,... việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp của các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) vào Bungari đã được cải thiện hơn.
(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ)
Năm 2012, Bungari đã tăng 12 điểm trong năng lực cạnh tranh tại khu vực châu Âu, đứng thứ 62 trên 144 quốc gia và vùng lãnh thổ.Về đối ngoại, Chính phủ kỹ trị hiện nay của Thủ tướng Plamen Oresarsky lãnh đạo chú trọng hơn đến phục hồi kinh tế, ủng hộ tiếp tục chính sách đối ngoại hội nhập đầy đủ vào EU, phát triển quan hệ với Mỹ, duy trì và đẩy mạnh quan hệ với Nga và các nước trong khu vực Balkan, có kế hoạch tăng cường và chuyển hướng hợp tác mạnh mẽ hơn với một số nước châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Bungary trong 7 tháng đầu năm 2013 đạt kim ngạch 38,6 triệu USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Bungari đạt 22,9 triệu USD, tăng 1%, còn nhập khẩu từ Bungari đạt 15,7 triệu USD, tăng 29,4%. Các mặt hàng chủ yếu Việt Nam xuất khẩu sang Bungari là cà phê, hạt tiêu, thủy sản đông lạnh, các sản phẩm từ cao su, đồ da, may mặc, giày dép, máy tính và phụ kiện linh kiện điện tử. Việt Nam nhập khẩu từ Bungari thuốc tân dược, thuốc bảo vệ thực vật, lúa mỳ, thức ăn gia súc, nguyên liệu và phụ gia chế biến thức ăn gia súc, máy móc thiết bị cơ khí và xây dựng.