| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Mời tham gia chương trình xúc tiến thương mại quốc gia 2019 tại thành phố Jakarta, Indonesia

Thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2019 được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 5106/QĐ-BCT ngày 27 tháng 12 năm 2019, Cục Xúc tiến thương mại (Cục XTTM) sẽ phối hợp với Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) tổ chức đoàn khảo sát, giao thương và tham gia Hội chợ tại Gia-các-ta nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam sang In-đô-nê-xi-a

In-đô-nê-xi-a cũng là nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, chiếm 37% GDP của ASEAN với dân số hơn 260 triệu người (đứng thứ 4 thế giới) và GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.642 USD/năm. Do đó, In-đô-nê-xi-a được coi là thị trường có quy mô và có sức hấp dẫn lớn đối với hàng hóa của nhiều nước trên thế giới. Với dân số lớn, In-đô-nê-xi-a là thị trường tiêu thụ khá rộng lớn với phân khúc thị trường đa dạng, nhu cầu nhập khẩu cao, yêu cầu chất lượng hàng hóa ở mức độ vừa phải.

In-đô-nê-xi-a hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam trong ASEAN. In-đô-nê-xi-a là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với một số nhóm mặt hàng chế biến, chế tạo thế mạnh của Việt Nam như: điện thoại và linh kiện; sắt thép; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may; da giày; chất dẻo… Về nhập khẩu, In-đô-nê-xi-a cung cấp cho Việt Nam nhiều mặt hàng: than đá; kim loại thường; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; hóa chất; thức ăn gia súc và nguyên liệu; chất dẻo nguyên liệu; hạt điều thô; thủy sản nguyên liệu... Xét về quy mô thị trường và nhu cầu lớn, đa dạng, thị trường In-đô-nê-xi-a được đánh giá là còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị phần cho hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam, giúp doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường lớn.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang In-đô-nê-xi-a chỉ duy trì mức trung bình, khoảng 7,2%/năm. Điều đó cho thấy trong thời gian qua Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng thương mại to lớn giữa hai nước. Một số mặt hàng của Việt Nam có thể tập trung thúc đẩy xuất khẩu sang In-đô-nê-xi-a trong thời gian tới gồm: (i) thép và các sản phẩm sắt thép, (ii) dây diện và cáp điện, (iii) các sản phẩm trang trí nội thất, (iv) máy móc thiết bị điện (máy bơm nước, máy biến thế, máy phát điện, bình nước nóng, các sản phẩm thiết bị chiếu sáng), (v) máy móc cơ khí nông nghiệp, (vi) hàng dệt may, giày dép và các phụ kiện thời trang, (vii) linh kiện điện thoại, (viii) sản phẩm điện, điện tử gia dụng, (ix) đồ uống, thực phẩm chế biến, (x) sản phẩm gia dụng (đồ nhựa, đồ nhà bếp, đồ gỗ, đồ sành sứ), (xi) nông sản (cà phê, chè, thanh long, vải...). Về nhập khẩu, có thể tăng cường nhập khẩu từ In-đô-nê-xi-a các mặt hàng đầu vào cho sản xuất tại Việt Nam mà In-đô-nê-xi-a có lợi thế như: (i) thủy sản nguyên liệu, (ii) hạt điều thô, (iii) xơ, sợi, (iv) nguyên phụ liệu dệt may da giày, (v) thức ăn gia súc và nguyên liệu, (vi) hóa chất, (vii) chất dẻo nguyên liệu, (viii) kim loại thường, (ix) than nhiệt…

1.  Mục tiêu: (i) nghiên cứu, khảo sát thị trường; (ii) tổ chức hội thảo doanh nghiệp, gặp gỡ giao thương, tìm kiếm và kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nhập khẩu, nhà phân phối, đối tác liên doanh, liên kết, đối tác đầu tư trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp; (iii) quảng bá, giới thiệu hình ảnh sản phẩm Việt Nam với người tiêu dùng và doanh nghiệp In-đô-nê-xi-a nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang In-đô-nê-xi-a.

2.  Quy mô: 15-17 doanh nghiệp.

3.  Thời gian: dự kiến từ ngày 27 đến ngày 31 tháng 8 năm 2019.

4.  Địa điểm: Thành phố Gia-các-ta, In-đô-nê-xi-a.

5.  Ngành hàng: đa ngành, ưu tiên các mặt hàng sản phẩm nông nghiệp; thực phẩm; máy móc, thiết bị, công nghệ nông nghiệp; phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; máy bơm nước; vật liệu xây dựng, thiết bị xây dựng, kỹ thuật; máy móc thiết bị điện, sản phẩm điện, điện tử gia dụng; sản phẩm gia dụng…

6. Đối tượng tham gia: Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các hợp tác xã, các tổ chức xúc tiến thương mại của Việt Nam được thành lập theo quy định của pháp luật hiện hành, có nhu cầu tìm hiểu thị trường, giao dịch kinh doanh với In-đô-nê-xi-a.

7.    Tiêu chí lựa chọn đơn vị tham gia: các doanh nghiệp có năng lực sản xuất, kinh doanh mặt hàng có khả năng cạnh tranh, có năng lực xuất khẩu, sản phẩm có mẫu mã và chất lượng phù hợp với thị trường In-đô-nê-xi-a, có kết quả kinh doanh tốt trong 02 năm gần đây, nhân sự tham gia đoàn có đủ khả năng nghiệp vụ và trình độ ngoại ngữ để tham gia hội thảo, giao thương với khách hàng quốc tế.

8.     Chi phí:

- Hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp tham gia chương trình: Doanh nghiệp được lựa chọn tham gia chương trình sẽ được Nhà nước hỗ trợ 01 vé máy bay khứ hồi từ Việt Nam sang Gia-các-ta, In-đô-nê-xi-a (01 vé/01 doanh nghiệp), chi phí thuê gian hàng chung cho đoàn Việt Nam tại Hội chợ và chi phí tổ chức Hội thảo giao thương Việt Nam - In-đô-nê-xi-a.

- Chi phí doanh nghiệp phải chịu khi tham gia chương trình: tiền khách sạn; tiền ăn uống; xe ô tô đi lại; vé tham dự hội chợ, triển lãm (nếu có)... trong thời gian làm việc tại In-đô-nê-xi-a.

- Số tiền doanh nghiệp phải đặt cọc để tham gia chương trình: 20 triệu VNĐ/người. Tiền đặt cọc đề nghị gửi vào tài khoản của Cục XTTM như sau:

+ Số tài khoản: 0011000286212 tại Sở giao dịch ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam

+ Tên tài khoản: Cục Xúc tiến thương mại

- Phương thức thanh quyết toán với doanh nghiệp.

+ Đối với các doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ về thủ tục đăng ký nhưng không được lựa chọn tham gia chương trình: Cục XTTM sẽ hoàn trả 100% tiền đặt cọc cho các doanh nghiệp;

+ Đối với các doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ về thủ tục đăng ký và được lựa chọn tham gia chương trình: Cục XTTM sẽ hoàn trả tiền đặt cọc trong vòng 15 ngày kể từ khi Kho bạc duyệt quyết toán chương trình và nhận được hồ sơ do Vụ Thị trường châu Á – châu Phi gửi.

9.     Các nghĩa vụ khi tham gia chương trình:

- Hoàn thành hồ sơ đăng ký tham gia chương trình, nghĩa vụ về tài chính và thực hiện nghiêm chỉnh nội quy và quy định của Ban tổ chức Đoàn.

- Trong trường hợp được lựa chọn tham gia chương trình, doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc các hướng dẫn của Ban Tổ chức. Doanh nghiệp được lựa chọn tham gia chương trình nhưng sau đó xin rút không tham dự phải chịu trách nhiệm về các chi phí thiệt hại phát sinh ảnh hưởng đến chương trình.

- Sau khi kết thúc đoàn công tác, trong vòng 15 ngày, các doanh nghiệp tham gia đoàn phải gửi báo cáo kết quả (theo mẫu) về Cục XTTM và Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương).

10. Yêu cầu về Hồ sơ đăng ký tham gia chương trình:

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (sao y bản chính, đóng dấu đơn vị).

- Đơn đăng ký tham gia Chương trình (theo mẫu gửi kèm).

- Quyết định cử nhân sự tham gia Chương trình của doanh nghiệp.

- Bản photo hộ chiếu (trang có ảnh và thông tin cá nhân) của người tham gia dự kiến tham gia chương trình (lưu ý, hộ chiếu còn hạn ít nhất 06 tháng).

- Tiền đặt cọc thuê để tham gia chương trình: 20 triệu đồng/người.

11. Thời hạn đăng ký tham gia:

Các đơn vị quan tâm gửi hồ sơ về địa chỉ sau đây trước ngày 10 tháng 8 năm 2019:

Bộ Công Thương (Vụ Thị trường châu Á  - châu Phi)

Địa chỉ: số 54 Hai Bà Trưng, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024.2220.5430.

Email: sonngt@moit.gov.vn.

Người liên hệ: Anh Nguyễn Thái Sơn (ĐTDĐ: 0974.345.688).

Du-kien-chuong-trinh-doan-XTTM-QG-tai-Indonesia-D1adL.docx

Mau-dang-ky-danh-sach-nhan-su-doan-XTTMQG-Indonesia-J495w.docx

Mau-dang-ky-tham-gia-XTTMQG-tai-Indonesia-BHN2x.docx

Mau-QD-cu-can-bo-tham-gia-doan-XTTMQG-tai-Indonesia-njqV6.docx

Thong-tin-gioi-thieu-chuong-trinh-XTTMQG-tai-Indonesia-IeN3L.docx

Vụ Thị trường châu Á - châu Phi

Nội dung liên quan