| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Nhu cầu nhập khẩu gạo của Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE)

UAE không sản xuất lúa gạo và phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Theo số liệu của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) , năm 2014, UAE nhập khẩu khoảng 678,6 triệu USD mặt hàng gạo, tương đương khoảng 768 ngàn tấn, trong đó nhập khẩu từ Ấn Độ khoảng 413 triệu USD, chiếm 61% tổng kim ngạch nhập khẩu gạo của UAE, tiếp theo là nhập khẩu từ Pakistan (208 triệu USD, chiếm 31%); Thái Lan (41,6 triệu USD, chiếm 6,1%), Hoa Kỳ (7,9 triệu USD, chiếm 1,2%), Cô-oét, Sri Lanka, Anh, Urugoay, Italy…Với đặc điểm là địa bàn trung chuyển hàng hóa lớn thứ ba trên thế giới sau Hong Kong và Singapore, UAE còn là một trong các thị trường tái xuất gạo lớn nhất thế giới. UAE tái xuất gạo sang khoảng 30 nước, chủ yếu là các nước trong khu vực vùng Vịnh và châu Phi. Năm 2014, giá trị tái xuất gạo của UAE đạt khoảng 91,6 triệu USD, chủ yếu sang: Bê-nanh (39 triệu USD); Ô-man (30 triệu USD); Mozambique (11 triệu USD); Zimbabwe (6 triệu USD); Nam Phi, Uganda, Ba-ranh…

Tại UAE, thương nhân được tự do kinh doanh mặt hàng gạo. Thuế nhập khẩu gạo của UAE là 0%. Về bộ chứng từ nhập khẩu ngoài các chứng từ thông thường, UAE yêu cầu phải có thêm giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật (phytosanitary certificate) và chứng nhận y tế (health certificate, chứng nhận sản phẩm có thể sử dụng cho con người).

UAE là một trong những nước có mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người lớn nhất thế giới. Theo số liệu của Hải quan Dubai, năm 2013, UAE nhập khẩu khoảng 772 ngàn tấn gạo, trong số đó, 98 ngàn tấn được tái xuất. Với dân số khoảng 5,6 triệu người, mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người của UAE khoảng từ 70 – 80 kg/người/năm, tương đương 220g/người/ngày. Một trong những lý do khiến UAE có mức tiêu dùng bình quân đầu người cao như vậy là vì tại UAE có một số lượng lớn người nhập cư, người lao động nước ngoài đến sinh sống, làm việc tại UAE từ các nước Châu Á như Ấn Độ, Bangladesh, Philippines...

Về chủng loại gạo nhập khẩu, UAE nhập khẩu chủ yếu là gạo basmati của Ấn Độ, Pakistan để phục vụ tiêu dùng của người dân. Ngoài ra, UAE nhập khẩu các loại gạo đồ, gạo thơm, gạo chất lượng cao từ Thái Lan, Hoa Kỳ, Sri Lanka, Anh, Uruguay… Ngoài ra, UAE cũng nhập khẩu các loại gạo trắng khác từ các nước như Ai Cập, Singapore, Việt Nam, Myanmar, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha để phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và khách du lịch.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang UAE năm 2010 đạt 2,2 triệu USD, năm 2011 đạt 1,8 triệu USD, năm 2012 đạt 5 triệu USD, năm 2013 đạt 12,1 triệu USD, năm 2014 đạt 17 triệu USD, Quý I/2015 đạt 4 triệu USD.

Gạo Việt Nam tại thị trường UAE chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ các loại gạo trắng của Thái Lan, Pakistan, Hoa Kỳ, Urugoay.

Để củng cố và mở rộng thị phần gạo Việt Nam tại UAE, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cần tăng cường khâu xúc tiến thương mại, cụ thể là cần tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành nông sản, thực phẩm được tổ chức thường niên tại UAE (Triển lãm SIAL Middle East, triển lãm Gulf Food), tăng cường các hoạt động tiếp xúc với các tập đoàn siêu thị và thương nhân UAE để giới thiệu sản phẩm gạo Việt Nam. Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, đa dạng hóa chủng loại gạo xuất khẩu sang thị trường UAE, trong đó có gạo thơm (jasmine), gạo đồ, gạo chất lượng cao.

Tham khảo thêm tại đây

Nguyễn Phúc Nam

Vụ Thị trường Châu Phi Tây Nam Á

Nội dung liên quan