10 tháng năm 2023, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam của Canada khá ổn định, song các doanh nghiệp trong nước cần cẩn trọng tránh bẫy lừa đảo khi hợp tác.
Nhu cầu nhập khẩu hàng Việt Nam khá ổn định
Dẫn số liệu của Hải quan Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, xuất khẩu 10 tháng năm 2023 của Việt Nam sang Canada đạt trên 4,7 tỷ USD, giảm 13.5% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, theo số liệu sở tại truy cập ngày 20/11/2023, tính đến hết tháng 9/2023, Việt Nam đã xuất khẩu 6,3 tỷ USD vào địa bàn. Theo Thương vụ, sự khác biệt rõ rệt này là do Canada tính cả luồng trung chuyển nhập khẩu qua Hoa Kỳ vào Canada. Nếu tính theo số liệu sở tại, Canada hiện là thị trường xuất khẩu quan trọng, lớn thứ 7 của Việt Nam sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan và Hongkong (Trung Quốc).
Điện tử, điện thoại di động và lò phản ứng nồi hơi là hai nhóm hàng có mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao nhất sang Canada. Ảnh minh họa
Mặc dù vậy, số liệu theo dõi tại địa bàn từ nguồn của Cơ quan thống kê Canada cho thấy kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Canada ngày càng chậm lại trong những tháng quý II/2023 và bắt đầu sụt giảm so với cùng kỳ năm 2023 trong các tháng 8, 9.
Theo đó, hết 9 tháng 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đã giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2022, (tức giảm khoảng 244 triệu USD). Tuy nhiên, nếu tính theo đồng nội tệ (CAD), giá trị xuất khẩu 8 tháng của Việt Nam sang địa bàn đạt 9,6 tỷ CAD, vẫn tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước.
Sự khác biệt về tốc độ tăng trưởng ghi nhận theo 2 ngoại tệ cho thấy đồng đô la Canada có sự mất giá so với đồng đô la Mỹ, đồng thời cho thấy nhu cầu của Canada đối với các mặt hàng từ Việt Nam vẫn khá ổn định.
Theo nhận định từ Thương vụ, việc xuất khẩu của Việt Nam vào Canada trong 9 tháng đầu năm 2023 giảm nhẹ 3,3% cũng nằm trong xu thế giảm nhập khẩu chung của nước này. Bởi, hiện nay, Canada đang giảm nhập khẩu từ hầu hết các quốc gia xuất khẩu chủ yếu trong ASEAN như: Indonesia (-8.4%), Malaysia (-20.2%), Thái Lan (-10.9%).
Trong các nước ASEAN, Việt Nam tiếp tục là đối tác nhập khẩu quan trọng nhất của Canada, chiếm 43% tổng kim ngạch Canada nhập khẩu từ khu vực. Dù vậy, trong top 10 đối tác thương mại hàng đầu của Canada, Việt Nam tụt hạng vị trí đối tác xuất khẩu xuống thứ 8.
Về các mặt hàng xuất khẩu, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, điện tử, điện thoại di động và lò phản ứng nồi hơi là hai nhóm hàng có mức tăng trưởng kim ngạch cao nhất, tăng lần lượt 10,8% và 43,8%. Ngoài ra, một số mặt hàng khác vẫn ghi nhận tăng trưởng tốt như: quần áo dệt kim tăng 2,8%; túi xách (tăng 11,3%), ô tô phụ tùng (tăng 51,2%), tàu thuỷ (tăng 225%), đồng và sản phẩm từ đồng (7.2%), gỗ và sản phẩm gỗ 0.6%.
Ngược lại, nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác của Việt Nam đã bắt đầu ghi nhận mức suy giảm như: quần áo không dệt kim giảm 18,6%, da giày giảm 6,5%; đồ gỗ nội thất giảm 25%... Đặc biệt, một số sản phẩm có mức sụt giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm 2022, như: thuỷ sản giảm đến 50%; các sản phẩm từ nhôm giảm 49%; sắt thép giảm 80,8%...
Cẩn trọng, tránh bẫy lừa đảo
Trong tháng cuối năm 2023, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sang thị trường Canada, Thương vụ Việt Nam tại Canada khuyến cáo, các doanh nghiệp trong nước cần bám sát và thường xuyên cập nhật thông tin thị trường; cùng đó, chủ động các giải pháp để tận dụng tối đa những cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mang lại.
Về phía Thương vụ, ngoài hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, đưa đoàn mua hàng về nước, xác minh doanh nghiệp, Thương vụ đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền cách thức khai thác Hiệp định CPTPP và các FTA mà Việt Nam và Canada cùng là thành viên. Bên cạnh đó, Thương vụ cho biết, sẽ thường xuyên thông tin về sự thay đổi thị trường. Website thông tin song ngữ của Thương vụ luôn cập nhật thông tin hàng ngày để đảm bảo cảnh báo, hướng dẫn cho doanh nghiệp.
Thương vụ Việt Nam tại Canada khuyến cáo, doanh nghiệp trong nước cần cẩn trọng, tránh bẫy lừa đảo trong làm ăn, giao dịch với các đối tác tại Canada. Ảnh minh họa
Đáng chú ý, bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại - Thương vụ Việt Nam tại Canada khuyến cáo, doanh nghiệp trong nước cần cẩn trọng, tránh bẫy lừa đảo trong làm ăn, giao dịch với các đối tác tại Canada. Cụ thể, theo Thương vụ, thời gian gần đây, số lượng các vụ lừa đảo doanh nghiệp Việt Nam có liên quan đến Canada đang gia tăng nhanh chóng.
Phương thức lừa đảo phổ biến là một số cá nhân tự tiếp cận hồ sơ đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp lớn, có uy tín cao, có danh tiếng của Canada, sau đó, dùng tên của các chủ doanh nghiệp này để đi lừa đảo các doanh nghiệp Việt Nam.
Hình thức lừa đảo chủ yếu là: Gọi điện trực tiếp hoặc qua email (đuôi email miễn phí như gmail, hotmail…), Whatsapp, viber để gửi hồ sơ đăng ký kinh doanh, thậm chí gửi cả chứng nhận ngân hàng (tài khoản, số dư); chứng nhận nộp thuế… để xác nhận uy tín; sau đó trao đổi đặt hàng, gửi hợp đồng (thường yêu cầu giá CIF), đóng dấu đầy đủ.
Tuy nhiên, đến giai đoạn doanh nghiệp Việt Nam đề nghị chuyển tiền đặt cọc, các đối tượng sẽ yêu cầu một số loại chứng nhận (thường là không tồn tại); và thậm chí gửi bản mẫu các chứng nhận này cho doanh nghiệp Việt Nam; khẳng định đây là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện của Chính phủ Canada/chính phủ tỉnh bang trước khi chuyển tiền.
“Các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý, khi các doanh nghiệp Canada nhập khẩu đề nghị bên xuất khẩu tự đứng ra làm các chứng chỉ của Canada và coi đây là yêu cầu bắt buộc của giao dịch thì hầu hết đều là lừa đảo vì các doanh nghiệp nhập khẩu thường sẽ đứng ra thực hiện các thủ tục của sở tại. Các chứng chỉ như Canadian Anti-Terrorist Clearance Certificate, Canadian Food Inspection Agency… đều không có thật”, Thương vụ cảnh báo.
Ngoài các vụ việc lừa đảo khá tinh vi trên để lừa các doanh nghiệp Việt Nam bỏ một khoản tiền nhỏ nhằm có hợp đồng lớn, Thương vụ Việt Nam cho biết, trên địa bàn còn có một số vụ việc tranh chấp thanh toán liên quan đến chất lượng.
Theo đó, một số doanh nghiệp Canada nhập hàng theo cơ chế thanh toán LC trả chậm. Sau khi hàng được giao đầy đủ, đúng số lượng, chất lượng theo hợp đồng, bên nhập hàng dỡ hàng, tự thuê kiểm định không theo thỏa thuận thuê bên thứ ba kiểm định và không chấp nhận kiểm tra ngẫu nhiên mẫu qua video call; cố ý không thanh toán phần chậm trả...
Do vậy, trong thời gian tới, để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa sang Canada cũng như tránh các bẫy lừa đảo, Thương vụ Việt Nam tại Canada lưu ý, các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với Thương vụ trong xác minh đối tác trước khi ký kết hợp đồng, yêu cầu đối tác cung cấp các thủ tục, giấy tờ có công chứng tại nước sở tại làm cơ sở ký kết hợp đồng đảm bảo chắc chắn. Cùng với đó, cần tăng cường phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng sở tại tư vấn các doanh nghiệp uy tín hoặc giúp xác minh năng lực, uy tín của doanh nghiệp sở tại.