Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều biến động, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong Quý I năm 2025 vẫn ghi nhận những tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, theo dự báo của Bộ Công Thương, trong thời gian tới, hoạt động xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn, do đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để thực hiện những giải pháp linh hoạt và hiệu quả.
Một trong những giải pháp hiệu quả hiện nay là tận dụng tốt thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới.
TMĐT xuyên biên giới trở thành công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế (Ảnh minh họa)
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO) công bố, quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 102,84 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 29,02 tỷ USD, tăng 15%, chiếm 28,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 73,82 tỷ USD, tăng 9%, chiếm 71,8% .
Đây là tín hiệu tích cực, tạo nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu xuất khẩu cả năm 2025 tăng trưởng 12%, tương đương 454 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, mỗi tháng Việt Nam cần xuất khẩu trung bình khoảng 37,8 tỷ USD, cao hơn khoảng 4 tỷ USD so với mức trung bình năm 2024.
Mục tiêu được đưa ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi và Việt Nam tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Tuy nhiên, bối cảnh thương mại toàn cầu vẫn còn nhiều ẩn số. Đáng chú ý là chính sách thuế quan mới từ phía Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
"Trong trường hợp Việt Nam - Hoa Kỳ không tìm được giải pháp tích cực thì việc áp thuế này sẽ tạo tác động tiêu cực nhất định đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu”, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, Bộ Công Thương nhận định.
Bộ Công Thương dự báo, trong thời gian tới, hoạt động xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn, do đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để thực hiện những giải pháp linh hoạt và hiệu quả. Trong bối cảnh đó, TMĐT xuyên biên giới đang nổi lên như một công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế.
Theo báo cáo của Cognitive Market Research, thị trường TMĐT xuyên biên giới toàn cầu có quy mô 791,5 tỷ USD vào năm 2024 và dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ kép hàng năm (CAGR) 30,5% từ năm 2024 đến năm 2031.
Việt Nam hiện có thế mạnh về các mặt hàng như dệt may, da giày, nông sản, thủy sản, đang có dư địa lớn để phát triển TMĐT xuyên biên giới. Thông qua các nền tảng TMĐT xuyên biên giới như Amazon, eBay, Alibaba, Shopee, Lazada… các doanh nghiệp Việt Nam có thể kết nối với hàng tỷ người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, có 53% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia xuất khẩu thông qua sàn thương mại điện tử. Doanh thu xuất khẩu qua kênh bán hàng này chiếm khoảng 10 - 20% và đang có nhiều tín hiệu tốt khi người tiêu dùng quốc tế ngày càng tăng đặt hàng.
Cụ thể, đã có hơn 350.000 nhà bán hàng Việt Nam tham gia bán hàng toàn cầu trên nền tảng Shopee, quảng bá hơn 15 triệu sản phẩm đến thị trường quốc tế. Hơn 17 triệu sản phẩm Made in Việt Nam đã được bán qua sàn Amazon, giá trị xuất khẩu tăng 50%. 100 doanh nghiệp tham gia Gian hàng Quốc gia Việt Nam trên sàn Alibaba cũng liên tục nhận được đơn đặt hàng.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA hay RCEP, giúp mở ra nhiều cơ hội về ưu đãi thuế quan, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Việc tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ FTA, cùng với các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ về thuế, tài chính và xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp Việt yên tâm tham gia vào mô hình xuất khẩu số.
Theo ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), tăng cường xúc tiến thương mại trên môi trường số giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận khách hàng, đối tác; tiết kiệm kinh phí; rút ngắn khoảng cách thời gian, tăng tốc độ giao dịch và xử lý đơn hàng, đồng thời mở rộng phạm vi và số lượng khách hàng tiềm năng. Các nền tảng thương mại điện tử toàn cầu đã trở thành công cụ quan trọng trong việc đưa hàng hóa Việt Nam ra thế giới, không chỉ gia tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn góp phần nâng cao giá trị thương hiệu Việt.
Trong khi đó, ông Jason Bay, Giám đốc Quốc gia thị trường Việt Nam, Tập đoàn Sea Limited nhận định, các nhà bán hàng thương mại điện tử Việt Nam thực sự có lợi thế về chi phí khi đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài, đặc biệt là đối với những khách hàng nhạy cảm với giá cả. Và Việt Nam có nhiều tiềm năng để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.