IMF ước tính nền kinh tế UAE sẽ tăng thêm khoảng 13 tỷ USD nhờ việc kết thúc lệnh trừng phạt đối với Iran, do thương mại hai nước sẽ tăng trưởng từ nay tới năm 2018.
Theo báo cáo thường niên của IMF về kinh tế Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), con số này tương đương với mức tăng 1% GDP mỗi năm trong 3 năm tới.
Năm 2013, Iran chiếm tới 12% xuất khẩu phi dầu mỏ của UAE, đạt giá trị 12 tỷ USD. Hầu hết trong số này đến từ hình thức tái xuất được giao dịch thông qua cảng Jebel Ali tại Dubai.
Khả năng này được đưa ra trong lúc IMF dự đoán tăng trưởng kinh tế của UAE có xu hướng giảm. Theo đó, nền kinh tế UAE được dự đoán sẽ tăng trưởng 3% trong năm nay, và 3,1% trong năm tới. Dự đoán này thấp hơn so với trước đó là 4,5% trong năm 2015 và đã được 3 lần điều chỉnh giảm trong 9 tháng trước bối cảnh của việc sụt giảm giá dầu và UAE cắt giảm chi tiêu chính phủ.
IMF cũng cho rằng kế hoạch cắt giảm chi tiêu của UAE có thể sẽ làm giảm tăng trưởng GDP của nước này mỗi năm 1% cho tới 2020.
Tuy nhiên, những tác động tích cực từ việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt có thể còn lớn hơn do khách du lịch Iran sẽ quay trở lại và lưu trú các khách sạn ở Dubai. Số lượng khách du lịch Iran giảm gần một nửa sau khi lệnh trừng phạt được áp dụng, từ 8000 khách năm 2010 xuống còn 4000 khách năm 2013.
Theo ước tính của IMF, khoảng ¼ kim ngạch thương mại giữa hai nước đã bị sụt giảm sau lệnh trừng phạt.
IMF cho rằng UAE sẽ là nơi được hưởng lợi từ việc mở cửa thị trường Iran với vị thế là điểm trung chuyển để nối lại các hoạt động thương mại.
Theo Giám đốc điều hành khu vực của ngân hàng đầu tư Renaissance Capital, Dubai và UAE rất có thể sẽ là cửa ngõ giao thương với Iran vì quốc gia này có cơ sở hạ tầng và các cảng biển tiên tiến, là nơi dễ dàng nhất để các công ty đa quốc gia đặt chi nhánh, văn phòng đầu tư vào Iran. Các hoạt động đầu tư tài chính, thương mại, ngân hàng và bất động sản sẽ được quản lý từ Dubai, điều này rất có ý nghĩa về mặt địa lý và kinh tế đối với các công ty đa quốc gia đang đầu tư vào Iran.
Ngược lại, các hoạt động đầu tư từ Iran trước kia hoàn toàn bị đình trệ do luồng tiền bị mắt kẹt trong nước và bị đóng băng với hệ thống chuyển tiền Swift quốc tế. Do đó, khi lệnh trừng phạt được gỡ bỏ, một dòng vốn lớn từ Iran có thể sẽ bổ sung cho nền kinh tế Dubai.
Theo ước tính của tuần san kinh tế Middle East Economic Digest, có khoảng 167 tỷ USD dưới dạng các dự án năng lượng sẵn sàng chờ đợi các nhà đầu tư quốc tế sau khi dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Trong số đó, phải kể đến dự án xây dựng, khai thác khí đốt trị giá 4,5 tỷ USD ngoài khơi đảo Kish và một nhà máy lọc dầu 3,2 tỷ USD tại phía tây Iran.
Trần Trung Hiếu