| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Tình hình thị trường Gambia năm 2021

Theo Ngân hàng Trung ương Gambia, sau khi chỉ đạt 2% năm 2020, tăng trưởng kinh tế nước này dự báo đạt 4,9% năm 2021 và đạt 5,1% năm 2022. Trước đại dịch Covid-19, du lịch là nguồn cung cấp ngoại tệ quan trọng. Tuy nhiên, triển vọng phục hồi ngành này vẫn còn chưa chắc chắn với việc xuất hiện những biến chủng mới và các biện pháp hạn chế du lịch đối với khách Anh và EU.

a) Tình hình chính trị-xã hội
Tình hình chính trị-xã hội Gambia tương đối ổn định. Ngày 5/12, Ủy ban bầu cử Gambia ra thông báo, Tổng thống đương nhiệm Adama Barrow đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử diễn ra 1 ngày trước đó.
Phát biểu trước đám đông cử tri ủng hộ sau khi kết quả kiểm phiếu cuối cùng được công bố, ông Barrow khẳng định sẽ tận dụng tất cả các nguồn lực để phát triển Gambia tốt đẹp hơn. Trong nhiệm kỳ tiếp theo của mình, Tổng thống Barrow dự kiến sẽ phải giải quyết các vấn đề liên quan vực dậy nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào du lịch, cũng như xuất khẩu lạc và thủy sản, vốn bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch Covid-19.
b) Tình hình kinh tế Gambia
Theo Ngân hàng Trung ương Gambia, sau khi chỉ đạt 2% năm 2020, tăng trưởng kinh tế nước này dự báo đạt 4,9% năm 2021 và đạt 5,1% năm 2022. Trước đại dịch Covid-19, du lịch là nguồn cung cấp ngoại tệ quan trọng. Tuy nhiên, triển vọng phục hồi ngành này vẫn còn chưa chắc chắn với việc xuất hiện những biến chủng mới và các biện pháp hạn chế du lịch đối với khách Anh và EU.
 Trong năm 2021, đồng nội tệ Gambia là dalasi đã sụt giảm giá trị so với các ngoại tệ chính trên thế giới. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhấn mạnh đất nước 2,4 triệu dân này cũng phải đối mặt với nguy cơ nợ cao. Tổng số nợ lên tới hơn 706 triệu USD tính đến tháng 10/2021 trong khi GDP chỉ có 01 tỷ USD. Tuy nhiên, lượng kiều hối chuyển về nước vẫn tiếp tục, đạt 706 triệu USD trong 10 tháng đầu năm, cao gấp 03 lần so với thu du lịch năm 2019. Kiều hối đóng góp đến 18% GDP của nước này.
IMF đánh giá, thời kỳ hậu Covid-19, các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch và xây dựng cơ sở hạ tầng (năng lượng và đường xá) sẽ là những động lực tăng trưởng chính. Bên cạnh đó, nước này sẽ thu hút được nhiều đầu tư hơn thông qua hội nhập kinh tế khu vực như Hiệp định tự do mậu dịch toàn châu Phi.
c) Ngoại thương Gambia
Ngành thương mại sẽ được thúc đẩy bởi việc khánh thành mới đây cây cầu xuyên Gambia. 80% hàng hóa nhập khẩu vào Gambia được tái xuất, chủ yếu sang nước láng giềng Senegal và Mali. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Gambia chỉ đạt 61 triệu USD và nhập khẩu 695 triệu USD.
Với một nền kinh tế tự do, Gambia mở cửa cho ngoại thương, lĩnh vực này chiếm đến 55% GDP. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm vải dệt, cá, sản phẩm đánh bắt ngoài khơi, dừa và sô cô la. Gambia chủ yếu xuất khẩu hàng hóa sang Mali, Hàn Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Hà Lan. Nước này phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu thô, đường, ô tô và gạo mặc dù đã tăng sản xuất lúa thời gian gần đây. Các nước cung cấp hàng hóa chính cho Gambia gồm Bờ Biển Ngà, Braxin, Trung Quốc, Ấn Độ và Tây Ban Nha.
d) Trao đổi thương mại Việt Nam-Gambia
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Gambia chỉ đạt 4.322.456 USD, giảm 45 % so với năm 2019 do tác động của đại dịch Covid-19. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Gambia đạt 22.947.004 USD giảm 17% so với năm 2019. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chính gồm hạt tiêu, gạo, hàng rau quả, tinh bột sắn, bánh kẹo, sản phẩm từ ngũ cốc, dệt may, sản phẩm từ cao su, dao cạo râu, hóa chất, nước uống đóng chai… Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chính gồm thức ăn gia súc và nguyên liệu, hạt điều, dầu mỡ động thực vật, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính...
 

Thương Vụ Việt Nam tại Algeria

Nội dung liên quan