Theo Báo cáo về Xu hướng Thương mại Quốc tế của Tổ chức Thương mại Thế giới, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) vẫn giữ được thứ hạng cao trong top 20 quốc gia xuất khẩu của thế giới.
Bản báo cáo được công bố gần đây tại Geneva, cho thấy UAE xếp hạng thứ 16 trong trong số các quốc gia xuất khẩu trên toàn cầu và là thị trường số 1 cho xuất khẩu hàng hóa tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi (MENA). Về nhập khẩu, UAE đứng thứ 19 và là thị trường quan trọng nhất đối với nhập khẩu hàng hóa tại khu vực MENA.
Báo cáo của WTO cho biết xuất khẩu hàng hóa của UAE đạt 359 tỷ USD, chiếm 1,9% tổng xuất khẩu của thế giới. Nhập khẩu của UAE tăng 4% và chiếm 1,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của thế giới.
Trong khu vực, UAE chiếm 28% hàng hóa xuất khẩu của Trung Đông và 33% về nhập khẩu trong năm 2014.
Theo báo cáo, UAE xếp hạng 19 trong số các nhà nhập khẩu dịch vụ toàn cầu. Tổng giá trị nhập khẩu dịch vụ của UAE là 72 tỷ USD, chiếm 1,5% tổng nhập khẩu dịch vụ toàn cầu. Tuy nhiên, thứ hạng này sẽ tăng lên 13 khi EU được coi là một khối duy nhất. Xuất khẩu dịch vụ của UAE tăng lên 17 tỷ USD, xếp hạng 25 toàn cầu khi EU được coi là một khối duy nhất.
Bộ trưởng Kinh tế Sultan bin Saeed Al Mansouri khẳng định: “UAE đã trở thành một nhân tố chính trong thương mại quốc tế. Đất nước chúng ta đã củng cố được vị thế trong môi trường thương mại quốc tế và mong rằng điều đó sẽ tiếp tục trong những năm tới. Chính sách thương mại của UAE cùng với cơ sở hạ tầng, vị trí chiến lược và mội trường pháp lý tiên tiến là những yếu tố góp phần vào sự tăng trưởng liên tục của ngành thương mại. Trong vài năm gần đây, những nỗ lực to lớn đã giúp gia tăng sức cạnh tranh của UAE và tạo thêm những cơ hội tăng trưởng và phát triển trong mọi lĩnh vực, bao gốm cả thương mại”.
Báo cáo cho thấy thương mại toàn cầu tăng trưởng khiêm tốn 2,4% trong năm 2014 và dự kiến tăng trưởng đạt 3,3% trong năm 2015 và 4% trong 2016. Có rất nhiều rủi ro và thách thức ảnh hưởng tới tăng trưởng của thương mại toàn cầu bao gồm các vấn đề căng thẳng chính trị, chính sách tiền tệ, biến động tỷ giá hối đoái, suy giảm tăng trưởng tại các nền kinh tế mới nổi và sụt giảm giá dầu. Báo cáo cũng cho rằng bãi bỏ biện pháp phòng vệ, nới lỏng việc tiếp cận thị trường và cải cách quy định thương mại toàn cầu có thể thúc đẩy thương mại quốc tế.
Năm 2014 chứng kiến sự tăng trưởng xuất khẩu của các nước đang phát triển lên 3,3%, lớn hơn nhiều so với 2,2% của các nước phát triển. Nhập khẩu của các nước đang phát triển tăng trưởng 2% trong khi nhập khẩu các nước phát triển tăng trưởng 3,2%. Báo cáo cũng dự báo nhập khẩu của các nước đang phát triển tăng trưởng 3,7% và 5% trong năm 2015 và 2016. Còn xuất khẩu của các nước đang phát triển được dự báo tăng trưởng 3,6% trong 2015 và 4,1% trong 2016.
Xuất khẩu hàng hóa của khu vực Trung Đông giảm 4% trong năm 2014 so với năm 2013 trong khi nhập khẩu tăng 1% trong cùng kỳ. Xuất khẩu dịch vụ của khu vực tăng 6% trong năm 2014 so với năm 2013 trong khi nhập khẩu dịch vụ tăng 9%. Tỷ trọng nhập khẩu dịch vụ của UAE tại khu vực Trung Đông giữ ở mức 27% còn xuất khẩu dịch vụ chiếm 14%.
Trần Trung Hiếu