Thị trường EU đặc biệt quan tâm đến nhóm ruồi đục quả trên sản phẩm rau quả. Với sản phẩm hạt điều, cà phê... yêu cầu hàng phải đạt tiêu chuẩn tương đương EU.
Xuất khẩu gia tăng nhưng chưa bền vững
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU đạt 380 triệu USD, tăng nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm 2023. EU chiếm 10,6% tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Ước tính nửa đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này sẽ thu về 466 triệu USD, tăng 1,7%.
Với mặt hàng gạo, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý I/2024, Việt Nam đã xuất khẩu vào thị trường EU gần 46.000 tấn gạo, kim ngạch đạt 41,4 triệu USD, tăng đến gần 118% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, thị trường Pháp tăng đột biến với 18.200 tấn tương đương giá trị 19,1 triệu USD, tăng gần 180 lần so với cùng kỳ. Sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường EU là nhờ các doanh nghiệp đã và đang tận dụng các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (Hiệp định EVFTA).
Nếu như năm 2022, xuất khẩu rau quả sang thị trường EU đạt trên 200 triệu USD, thì năm 2023 đã đạt gần 300 triệu USD. Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, dự kiến năm 2024, xuất khẩu rau quả sang thị trường này sẽ tăng trưởng từ 20% trở lên.
(EU hiện là thị trường lớn thứ 3 của nông sản, thực phẩm Việt Nam)
Ông Trần Văn Công - Tham tán Nông nghiệp, Phái đoàn Việt Nam tại EU - cho biết, hàng năm, thị trường châu Âu chi khoảng 300 tỷ USD nhập khẩu nông sản trên toàn thế giới. Trong đó, riêng nhóm hàng rau quả khoảng 60 tỷ USD. Như vậy, tiềm năng rất lớn cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Mặc dù thị trường rất tiềm năng, tuy nhiên, đây cũng là thị trường có nhiều yêu cầu chặt chẽ, khoa học về mặt kỹ thuật. Trong số 5 mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam vào diện kiểm soát khi xuất khẩu vào thị trường EU, trong khi mì ăn liền của Việt Nam không còn bị kiểm soát an toàn thực phẩm, sầu riêng nằm trong danh sách các mặt hàng bị giám sát tại cửa khẩu của EU với tần suất 10% thì môt một số mặt hàng rau quả của Việt Nam ghi nhận những thông tin không mấy tích cực.
Cụ thể, EU áp dụng tăng tần suất kiểm tra tại biên giới đối với thanh long từ 20% lên 30%, đồng thời kèm theo các lô hàng là Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm. Với mặt hàng ớt đang bị EU áp dụng tại Phụ lục I (tần suất kiểm tra là 50%) chuyển sang Phụ lục II của Quy định 2019/1793 tần suất kiểm tra 50% đồng thời kèm theo các lô hàng là Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm. Mặt hàng đậu bắp EU vẫn áp dụng tại Phụ lục II của Quy định 2019/1793 tần suất kiểm tra 50% đồng thời kèm theo các lô hàng là Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm.
Và những khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt
Ông Trần Ngọc Quân - Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU – thông tin, ngày 24/5 vừa qua, Hội đồng châu Âu đã phê chuẩn chỉ thị trách nhiệm thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp lớn. Trước đó, ngày 14/5, Nghị viện và Hội đồng châu Âu ban hành Chỉ thị sửa đổi các quy định liên quan đến một số loại nông sản thực phẩm tại các chỉ thị của Hội đồng châu Âu ban hành trước đây nhằm thực hiện mục tiêu Thỏa thuận xanh, chiến lược từ trang trại tới bàn ăn để tạo ra hệ thống thực phẩm công bằng, lành mạnh, thân thiện với môi trường bền vững hơn. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam cần đặc biệt quan tâm.
Với ngành thủy sản, ông Lê Hoàng Lâm - Giám đốc Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 3 thông báo – thông tin, bên cạnh những yêu cầu chung, EU còn yêu cầu thêm một số vấn đề, như nước xuất khẩu phải xây dựng, triển khai và được EU công nhận chương trình giám sát quốc gia về tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thủy sản nuôi. Hoặc nhuyễn thể 2 mảnh vỏ phải được xây dựng và EU công nhận chương trình giám sát an toàn vệ sinh vùng thu hoạch.
Theo các chuyên gia trong ngành, minh bạch về thông tin, chất lượng là một trong những đòi hỏi hàng đầu khi xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm vào thị trường EU.
Ông Lương Ngọc Quang - chuyên viên Phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho hay, với thị trường EU, tất cả các lô hàng phải đáp ứng các yêu cầu sản phẩm không được nằm trong danh mục thực vật, sản phẩm thực vật bị cấm hoặc tạm dừng nhập khẩu vào các nước EU; không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của EU và hầu như không bị nhiễm các loài dịch hại khác; vật liệu đóng gói bằng gỗ phải đạt tiêu chuẩn quốc tế về vật liệu đóng gói bằng gỗ (ISPM-15)...
Đáng chú ý, EU đặc biệt quan tâm đến nhóm ruồi đục quả trên các sản phẩm rau quả nên phải đàm phán phương án xử lý. Ngoài ra, các sản phẩm trái cây tươi, hạt điều, cà phê... khi xuất khẩu sang EU, phía EU yêu cầu hàng phải đạt tiêu chuẩn giống và tương đương tiêu chuẩn đang áp dụng ở EU.
Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Ngô Xuân Nam cho biết, hiện nay, hàng tháng, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được khoảng 100 các thông báo, dự thảo về thay đổi các biện pháp SPS, bao gồm các dự thảo về thay đổi về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, về đối tượng kiểm dịch, về quy định vật liệu tiếp xúc với sản phẩm… Quy định SPS là quy định bắt buộc áp dụng, nếu chúng ta vi phạm sẽ bị đối tác nhập khẩu cảnh báo vi phạm. Việc này sẽ gây ảnh hưởng, thiệt hại cho doanh nghiệp, đặc biệt là ảnh hưởng đến cả ngành hàng, thương hiệu nông sản của Việt Nam trên trường quốc tế.
Mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã dần dần quen với sự "khắt khe" của EU và đã có những chuẩn bị để vượt qua được những hàng rào kỹ thuật, nhưng ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam vẫn lưu ý, thị trường này đặc biệt chú trọng đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm đạt chuẩn, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, trước khi xuất khẩu sang EU, các doanh nghiệp tập trung kiểm nghiệm, kiểm soát về dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật để tránh việc hàng sang đến nơi bị phát hiện và phải tiêu hủy hoặc trả về.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam cần cập nhật thường xuyên và tuân thủ các quy định của EU. Điều này không chỉ giúp cho nông sản Việt tạo được uy tín mà còn là nền tảng để có thể mở rộng, chinh phục thêm các thị trường xuất khẩu trên thế giới, từ đó nâng cao vị thế cho nông sản Việt.