| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Một số lưu ý khi kinh doanh tại thị trường các nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) trong tháng Ramadan

Tháng Ramadan là tháng thứ 9 theo lịch của đạo Hồi và kéo dài một tháng. Trong tháng Ramadan, các hoạt động hoặc làm việc được tiết giảm đến mức tối đa và người Hồi giáo thường nhịn ăn ban ngày. Các quốc gia GCC theo đạo Hồi chính thống 100% nên yêu cầu tuân thủ các quy định về hồi giáo nghiêm ngặt. Mỗi ngày người Hồi giáo cầu nguyện 5 lần theo hướng của thành phố thiêng liêng Mecca.

1. Những hoạt động trong tháng Ramadan

Tháng Ramadan là tháng thứ 9 theo lịch của đạo Hồi và kéo dài một tháng. Trong tháng Ramadan, các hoạt động hoặc làm việc được tiết giảm đến mức tối đa và người Hồi giáo thường nhịn ăn ban ngày. 

Các quốc gia GCC theo đạo Hồi chính thống 100% nên yêu cầu tuân thủ các quy định về hồi giáo nghiêm ngặt. Mỗi ngày người Hồi giáo cầu nguyện 5 lần theo hướng của thành phố thiêng liêng Mecca. Thời gian cầu nguyện diễn ra vào buổi sáng sớm, trưa, chiều, chiều muộn và tối. Trong các thời điểm cầu nguyện, các hoạt động kinh doanh đều ngừng hoạt động trong khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ. Trong tháng Ramadan, các du khách hoặc thương nhân người nước ngoài không nên ăn, uống hoặc hút thuốc ngoài đường vào ban ngày hoặc tại nơi kiêng ăn của người Hồi giáo.

             Tại UAE và Ca-ta

Luật của Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Ca-ta quy định giờ làm việc của người lao động trong tháng Ramadan được giảm đi 2 tiếng. Vì vậy, tổng số giờ làm tối đa trong tháng Ramadan là 6 tiếng/ngày và 36 tiếng/tuần. Luật Lao động UAE và Ca-ta không phân biệt giữa người lao động theo đạo Hồi và người không theo đạo Hồi và quy định về giờ làm áp dụng đối với tất cả người lao động. Tuy nhiên, trong thực tế, đa số người lao động làm 5 ngày/tuần. Ngoài tháng Ramadan, người lao động làm việc nhiều hơn, 8 tiếng/ngày trong 5 ngày/tuần.

Luật Lao động UAE và Ca-ta không áp dụng cho “người chịu trách nhiệm quản lý hoặc vị trí cao”, ví dụ như chủ tịch, giám đốc, tổng giám đốc, trưởng phòng. Những đối tượng này phải làm việc đủ giờ cần thiết để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm.

 Tại Ả-rập Xê-út

Luật Lao động của Ả-rập Xê-út quy định trong tháng Ramadan, người lao động theo đạo Hồi sẽ được giảm số giờ làm tối đa xuống còn 6 tiếng/ngày và 36 tiếng/tuần. Vì vậy, nếu người lao động làm việc 5 tiếng/ngày thì số giờ làm việc tối đa mỗi ngày là 7 tiếng 12 phút (tương đương 36 giờ/tuần). Không giống như UAE, Luật Lao động của Ả-rập Xê-út không áp dụng đối với người không theo đạo Hồi và những người giữ chức vụ cao. Vì vậy, những đối tượng này vẫn phải làm việc như bình thường. 

Tại Ô-man

Luật Lao động của Ô-man quy định trong tháng Ramadan, người Hồi giáo sẽ được giảm số giờ làm xuống còn tối đa là 6 tiếng/ngày và 30 tiếng/tuần. Ngoài tháng Ramadan, người lao động sẽ phải làm việc tối đa 9 giờ/ngày và 45 giờ/tuần. Luật này đã thay đổi, giảm giờ làm so với Luật Lao động trước đây của Ô-man là tối đa 9 giờ/ngày và 48 giờ/tuần. Không giống với các nước GCC khác, không có ngoại lệ đối với tổng số giờ làm việc tối đa đối với những người giữ chức vụ cao hơn trong một tổ chức.

Tại Cô-oét

 Luật Lao động của Cô-oét quy định trong tháng Ramadan, số giờ lao động của một người lao động là 36 giờ/tuần. Luật Lao động của Cô-oét không khuyến khích số giờ tối đa hàng ngày trong tháng Ramadan. Vì vậy, tổng số giờ không vượt quá 36 giờ/tuần. Luật Lao động của Cô-oét không phân biệt giữa người Hồi giáo và người không theo đạo Hội cũng như không có ngoại lệ đối với người giữ chức vụ cao trong một tổ chức. Vì vậy, giới hạn giờ làm tối đa áp dụng cho tất cả mọi đối tượng lao động (bất kể tôn giáo và vị trí nào).

Trong tháng Ramadan, người Hồi giáo chú trọng tới các hoạt động cầu nguyện được thực hiện hàng ngày. Tháng Ramadan được coi là quan trọng trong đời sống tâm linh và tinh thần đối với người Hồi giáo.

2. Cách ứng xử trong tháng Ramadan

Thiếu hiểu biết về văn hóa Hồi giáo có thể dẫn đến những hiểu lầm trong tháng Ramadan giữa người Hồi giáo và người không theo đạo Hồi. Vì vậy, người không theo đạo Hồi cần hết sức lưu ý tới một số vấn đề sau đây trong tháng Ramadan:

- Không được hút thuốc, ăn, nhai kẹo hoặc uống tại nơi công cộng trong thời gian ban ngày.

- Nên ăn uống kín đáo tại nơi của mình, không để ai nhìn thấy (Ví dụ, ăn uống tại căng-tin và phòng riêng).

- Không để đồ ăn, thức uống hoặc hoặc tổ chức hoạt động vui vẻ (sinh nhật, lễ lạt) tại nơi công cộng trong tháng Ramadan.

 - Thông cảm và chia sẻ sự hiểu biết với người theo đạo Hồi vì thời gian này sức khỏe và tâm lý của họ không được thoải mái do thiếu ngủ, phải nhịn ăn, uống vào ban ngày.

- Tại nơi làm việc và ở các buổi họp, không nên bày các thứ đồ ăn và đồ uống. Nếu có tổ chức liên hoan thì không nên phô trương cho người Hồi giáo nhìn thấy.

Phạm Xuân Trang

Vụ Thị trường Châu Phi Tây Nam Á

Nội dung liên quan