| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Xuất nhập khẩu Việt Nam 2025-2030: Cơ hội từ FTA và bài toán cạnh tranh

Xuất nhập khẩu Việt Nam đang bước vào giai đoạn quan trọng với nhiều cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng với tiêu chuẩn quốc tế.

FTA - Bàn đạp cho xuất khẩu Việt Nam hay rào cản tiềm ẩn?

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, các FTA như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã mở ra nhiều cơ hội mới cho nền kinh tế Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, các hiệp định này không chỉ giúp tăng cường xuất khẩu mà còn thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thúc đẩy cải cách thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.

EVFTA đã giúp nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản và nông sản tiếp cận thị trường châu Âu với thuế suất ưu đãi. Riêng năm 2024, xuất khẩu nông sản sang EU đạt gần 7 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước.

Đặc biệt, CPTPP giúp Việt Nam thâm nhập các thị trường mới như Canada, Mexico và Peru, trong khi RCEP tạo điều kiện cho Việt Nam mở rộng thương mại với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN.

Tuy nhiên, số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế EVFTA mặc có có tăng xong vẫn thấp hơn kỳ vọng, đạt 35,2% năm 2023.

Nguyên nhân chính đến từ việc nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng quy tắc xuất xứ hoặc chưa hiểu rõ cam kết trong FTA. Điều này đặt ra bài toán lớn về năng lực tiếp cận chính sách và chiến lược hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam.

Dù các FTA mang lại lợi ích lớn, nhưng thách thức cũng không nhỏ. Một trong những rào cản lớn nhất là yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe từ các thị trường nhập khẩu. EU có những quy định nghiêm ngặt về xuất xứ, kiểm dịch thực vật và lao động bền vững; Mỹ liên tục điều chỉnh chính sách thương mại, gây áp lực lên xuất khẩu thủy sản, nông sản.

Một ví dụ điển hình là ngành thủy sản. Năm 2024, EU cảnh báo một số lô hàng tôm Việt Nam không đạt tiêu chuẩn kiểm dịch, khiến nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn xuất khẩu và chịu tổn thất lớn.

Tương tự, ngành dệt may gặp khó khăn khi CPTPP yêu cầu xuất xứ từ sợi, trong khi Việt Nam vẫn phụ thuộc phần lớn nguyên liệu từ Trung Quốc.

Ngoài ra, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các nước xuất khẩu lớn như Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ cũng là một thách thức. Các nước này đang có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp xuất khẩu, khiến hàng hóa Việt Nam chịu áp lực lớn cả về giá cả lẫn chất lượng.

Cơ hội lớn nhưng không dành cho kẻ yếu thế

Một số doanh nghiệp lớn đã chủ động thích ứng với môi trường thương mại mới bằng cách đầu tư vào công nghệ, mở rộng chuỗi cung ứng và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Chẳng hạn, Tập đoàn Minh Phú - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam - đã đầu tư hệ thống kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, giúp sản phẩm của họ đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ.

Ngành dệt may cũng có những bước chuyển mình tích cực. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), nhiều doanh nghiệp đã chủ động phát triển chuỗi cung ứng nội địa, giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu để đáp ứng yêu cầu xuất xứ từ CPTPP. Nhờ đó, tỷ lệ hàng dệt may Việt Nam tận dụng ưu đãi từ CPTPP đã tăng từ 17% năm 2022 lên 28% vào năm 2024.

Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin và tận dụng hiệu quả các FTA. Nguyên nhân đến từ việc thiếu hiểu biết về các cam kết thương mại, hạn chế về vốn và công nghệ, cũng như gặp khó trong việc tìm kiếm đối tác kinh doanh quốc tế.

Nếu không có chiến lược phù hợp, doanh nghiệp Việt Nam có thể chỉ là "người ngoài cuộc" trong cuộc chơi hội nhập kinh tế toàn cầu. Do vậy, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc cải thiện năng lực cạnh tranh. Trước hết, cần đầu tư vào công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, việc đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu và mở rộng kênh phân phối cũng là những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp vươn xa trên thị trường toàn cầu. Bộ Công Thương nên tăng cường các chương trình tư vấn, đào tạo về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật và thị trường cho doanh nghiệp. Đồng thời, chính sách tín dụng ưu đãi cũng cần được mở rộng để giúp doanh nghiệp có đủ nguồn lực đầu tư vào đổi mới sản xuất.

Về phía Chính phủ, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần tiếp tục đàm phán mở rộng ưu đãi thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin chính sách và cải thiện hạ tầng logistics. Mới đây nhất, tại Nghị quyết 192/2025/QH15, Quốc hội đã xác định rõ mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên.

Trong lĩnh vực xuất khẩu, Nghị quyết yêu cầu đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, thúc đẩy thương mại hài hòa, bền vững với các đối tác lớn như Mỹ, Trung Quốc; khai thác hiệu quả 17 FTA đã ký; mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt với các quốc gia vừa nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện.

Đồng thời, Việt Nam sẽ đẩy nhanh đàm phán các FTA mới với Trung Đông, Thụy Sỹ, Na Uy, Phần Lan… nhằm tiếp cận các thị trường tiềm năng như Trung Đông, Halal, Mỹ Latinh và châu Phi. Nhà nước cũng tăng cường cung cấp thông tin nghiên cứu thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, xử lý các vụ kiện chống bán phá giá và thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ – nhất là tài chính – ngân hàng, logistics, vận tải biển và hàng không...

Báo hải quan

Nội dung liên quan