Ngoài lợi ích thương mại, FTA Việt Nam – Israel được đánh giá là động lực thúc đẩy cơ hội đầu tư giữa doanh nghiệp hai bên.
Cơ hội thu hút đầu tư vào Việt Nam
Thương vụ Việt Nam tại Israel cho biết, về thu hút đầu tư FDI từ Israel vào Việt Nam, theo số liệu thông kê mới nhất, từ ngày 01/01-20/3/2023, Israel có 02 dự án đầu tư vào Việt Nam được cấp phép mới, với số vốn đăng ký cấp mới là 60,01 triệu USD. Ngoài ra, còn có số lượt góp vốn mua cổ phần là 02 lần, với giá trị góp vốn mua cổ phần là 0,17 triệu USD. Tính chung trong 3 tháng dầu năm 2023, tổng số vốn đăng ký của Israel là 60,18 triệu USD, tăng 18.341,4% so với cùng kỳ năm trước và Israel đứng thứ 12 trong số 67 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư cấp phép mới vào Việt Nam.
Tính lũy kế đến hết ngày 20/3/2023, Israel có 41 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký đạt 145,56 triệu USD và Israel đứng thứ 45 trong tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam.
Ông Lê Thái Hoà – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Israel chia sẻ, các dự án đầu tư của Israel vào Việt Nam thời gian qua tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực, theo thứ tự từ cao xuống thấp, như công nghiệp chế biến, chế tạo, y tế và dịch vụ trợ giúp xã hội, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, công nghệ thông tin, môi trường, xử lý nước thải, bất động sản du lịch… “Theo địa bàn đầu tư, Israel đã có đầu tư tại trên dưới 06 tỉnh, thành phố của Việt Nam như tỉnh Bình Định, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, tỉnh An Giang, thủ đô Hà Nội và tỉnh Đồng Nai…” - ông Lê Thái Hoà thông tin.
(Nhà máy dệt - nhuộm - may Delta Galil Việt Nam là một dự án của Israel tại Việt Nam)
Có thể kể tới một số dự án đầu tư tiêu biểu của Israel tại Việt Nam bao gồm: Nhà máy dệt - nhuộm - may Delta Galil Việt Nam, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 26/01/2015, tổng vốn đầu tư đăng ký ban đầu 54,42 triệu USD, với nhà đầu tư là Công ty Delta Galil Industries Ltd. Hoặc, Dự án Sản xuất sợi, sản xuất vải dệt thoi, hoàn thiện sản phẩm dệt (trong đó có nhuộm), sản xuất vải dệt kim, vải đan móc và vải không dệt khác, sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục), may trang phục (trừ trang phục từ da lông thú), sản xuất trang phục dệt kim, đan móc… với doanh thu trong các năm dự kiến đạt khoảng 24.000.000 đô la Mỹ, tương đương 28.000.000 sản phẩm/năm.
Nhiều doanh nghiệp đầu tư sang Israel
Ông Lê Thái Hoà thông tin thêm, ở chiều ngược lại, Việt Nam đã bước đầu có đầu tư sang Israel. Gần đây đã có một số doanh nghiệp của ta thực hiện các dự án đầu tư vào Israel.
Cụ thể như, Công ty CP Giải pháp Năng lượng Vines, thuộc Tập đoàn Vingroup, đã giải ngân đầu tư sang Israel đạt 40 triệu USD, thuộc dự án đầu tư 65 triệu USD sang Israel, theo hình thức mua 5% cổ phần của Công ty StoreDot-Israel chuyên sản xuất pin xạc nhanh cho xe ôtô điện (dự án đầu tư ra nước ngoài đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 10/2021) để phục vụ cho hoạt động sản xuất ôtô điện ở trong nước của Vingroup.
Đồng thời, Tập đoàn Vingroup, thông qua chi nhánh ở Singapore, cũng đầu tư 8 triệu USD theo hình thức đầu tư khởi nghiệp/startup vào công ty vận hành xe ôtô tự lái ở Israel; Công ty Vinfast, thuộc Tập đoàn Vingroup, trong tháng 4/2022 đã chính thức công bố chỉ định Công ty B-EV Motors Ltd. ở Tel Aviv-Israel làm đại lý phân phối độc quyền xe ôtô điện của Vinfast tại thị trường Israel.
Ngoài ra, Tập đoàn CT Group của Việt Nam trong tháng 5/2022 đã chính thức mở Văn phòng Đại diện tại Tel Aviv-Israel, và đây là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên thành lập Chi nhánh/mở Văn phòng Đại diện tại Israel nhằm tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ và trao đổi thương mại với đối tác Israel.
Bên cạnh đó, một số tập đoàn, công ty công nghệ thông tin của Việt Nam như Viettel, FPT… cũng đang tìm kiếm mở rộng hợp tác liên doanh liên kết với các đối tác Israel trong các hoạt động chuyên ngành như phát triển các sản phẩm về an ninh mạng, giải pháp phần mềm… do đây là những thế mạnh của Israel mà phía ta cần tranh thủ cơ hội tận dụng. Hiện tại, một số công ty khác của Việt Nam cũng đã và đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư theo hình thức startup/khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm… tại Israel.
Một số tổ chức liên quan và doanh nghiệp Israel cũng đang quan tâm hợp tác với các đối tác Việt Nam trong các lĩnh vực như hoạt động khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ và các giải pháp kỹ thuật trong hoạt động sản xuất, tự động kiểm soát theo dõi các phương tiện giao thông hoạt động trên đường cao tốc và trong nội đô thành phố, công nghệ sản xuất năng lượng sạch, công nghệ lưu trữ năng lượng tái tạo, đầu tư vào các dự án năng lượng điện mặt trời, công nghệ cao...
Việt Nam và Israel đã ký Hiệp định về hợp tác kinh tế thương mại vào năm 2004. Với việc kết thúc đàm phán Hiệp định VIFTA và dự kiến sẽ được chính thức ký kết trong thời gian tới đây, khung khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư… giữa hai nước sẽ được nâng cấp lên tầm phạm vi rộng hơn, với nhiều lĩnh vực hợp tác cụ thể hơn. Từ đó, tạo thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động trao đổi thương mại, hợp tác đầu tư, dịch vụ… giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
“Đặc biệt, FTA này sẽ mở ra một chương mới về giai đoạn phát triển trong quan hệ hợp tác song phương, góp phần tiếp tục tăng cường và thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác toàn diện nói chung và quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư nói riêng giữa hai nước” – ông Lê Thái Hoà nhận định.
Lan Phương