Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, tranh chấp và gian lận thương mại là một vấn đề tồn tại trong giao dịch thương mại quốc tế mà các doanh nghiệp xuất khẩu luôn phải tính đến. Khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với nhiều đối tác hơn, sang nhiều sân chơi rộng hơn, luật chơi khác nhau thì nguy cơ tranh chấp, lừa đảo cũng lớn hơn, phức tạp hơn.
Thời gian qua, tình trạng lừa đảo qua mạng không chỉ diễn ra ở khu vực Trung Đông, châu Phi mà ngày càng phổ biến và diễn ra ngay cả tại các thị trường lớn, có uy tín, mức độ rủi ro thấp như Mỹ, châu Âu (Hà Lan, Italia, Na Uy...).
Chia sẻ tại Hội nghị “Phòng tránh lừa đảo trong thương mại quốc tế” ngày 30/11 vừa qua, bà Trần Thu Quỳnh- Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada, cho hay: Thời gian gần đây, nhất là từ đầu năm 2023 tới nay, Thương vụ ghi nhận số vụ lừa đảo nhỏ trên địa bàn sở tại tăng nhanh, bình quân 10 vụ/tháng liên quan đến việc đòi, yêu cầu của doanh nghiệp Canada về chứng chỉ không có thật.
“Vụ việc gia tăng có 2 yếu tố, thứ nhất, những năm gần đây Canada có chính sách nhập cư ồ ạt, khoảng 500.000 người/năm và đều trong độ tuổi lao động. Năm 2023 số người nhập cư và Canada tăng lên hơn 1 triệu người làm cơ cấu xã hội của Canada thay đổi. Tiếp đó, doanh nghiệp trong nước có xu hướng chủ quan trong tìm đối tác, đặc biệt khi thấy đối tác từ thị trường Canada có độ tin cậy cao nên sở hở trong tiếp cận và soạn thảo hợp đồng. Hình thức lừa đảo của các đối tượng rất tinh vi phức tạp do có thể tiếp cận dễ dàng và giả mạo thông tin của doanh nghiệp Canada uy tín, thậm chí giả mạo cả con dấu của cơ quan chức năng nước sở tại”- bà Trần Thu Quỳnh thông tin.
Trong khi đó, tại thị trường Tây Ban Nha, ông Vũ Chiến Thắng- Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cũng phản ánh: Gần 3 năm qua Thương vụ trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam giải quyết 7 vụ việc liên quan đến lừa đảo trong giao dịch quốc tế. Trong đó 5 vụ việc liên quan xuất khẩu hạt điều, 1 vụ liên quan đến xuất khẩu hồ tiêu đen, 1 vụ liên quan đến xuất khẩu sản phẩm gang đúc.
Trong bối cảnh cạnh gay gắt, doanh nghiệp có tâm lý nóng vội, muốn bán được hàng ngay dẫn đến đưa ra các điều khoản hợp đồng bị hớ, cam kết lỏng lẻo trong mua bán. Cùng đó công tác xác minh đối tác trước khi ký kết hợp đồng chưa được quan tâm đầy đủ, thậm chí không xác minh dẫn đến bị lừa đảo và mất tài sản. Cũng có trường hợp một số doanh nghiệp sở tại không chủ ý lừa đảo nhưng chây ì thanh toán.
Còn tại thị trường Italia, bà Dương Phương Thảo – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại thị trường sở tại thông tin: Tình trạng lừa đảo diễn ra nhiều hình thức, với cả xuất khẩu và nhập khẩu, thực tế Thương vụ đã hỗ trợ giải quyết nhiều vụ việc cho doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Thảo cho biết, hình thức lừa đảo phổ biến, gồm: Người mua phối hợp với đối tượng lừa đảo làm giả chứng từ chiếm đoạt giấy tờ gốc để chiếm đoạt hàng; doanh nghiệp Việt Nam mua hàng đã đặt cọc nhưng đối tác không giao hàng; đối tác Italia thông báo mở tài khoản ở ngân hàng uy tín nhưng không hoạt động; công ty đối tác Italia không giao hàng hoặc giao hàng không đạt tiêu chuẩn; hợp đồng ký cực kỳ sơ sài, đối tác Italia không tuân thủ điều khoản.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Hoàng Thị Liên- Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cũng phản ánh: Năm 2023 doanh nghiệp trong ngành gặp vụ việc lừa đảo lớn, 5 container hồ tiêu bị giữ lại Dubai, hiện 4 container đã được thu hồi với trị gái 400.000 USD, còn 1 container giá trị 120.000 USD vẫn chưa thu hồi được. Đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng thu hồi lại số hàng này, hiện chi phí liên quan đến lô hàng đã lên tới 60.000-70.000 USD.
Bà Hoàng Thị Liên cũng cho biết, Dubai là điểm kết nối giao dịch của khu vực Trung đông, Trung á, kể cả châu Âu- châu Á là thị trường có tính chất rủi ro lớn, cùng đó là các yêu tố về xung đột chính trị khiến doanh nghiệp ở khu vực này thiếu ngoại tệ để thanh toán, dẫn đến phát sinh lừa đảo.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Hiệp hội mong muốn những lưu ý của thương vụ được cung cấp thường xuyên, trên 1 kênh thống nhất, cụ thể để doanh nghiệp tham khảo. Bộ Công Thương cũng đưa ra bộ quy tắc tham chiếu về mức đặt cọc, phương thức thanh toán… để doanh nghiệp tham khảo.
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại trong nước cần tăng thực hiện nghiệp vụ chặt chẽ hơn để đồng hành cùng doanh nghiệp đảm bảo an toàn trong giao dịch thương mại quốc tế.
Thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán
Để hạn chế rủi ro trong giao dịch thương mại quốc tế, thời gian qua, Bộ Công Thương đã nhiều lần cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch với các doanh nghiệp nước ngoài cần phải thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán để bảo đảm an toàn nhất.
Trước tình trạng lừa đảo tăng nhanh, bà Trần Thu Quỳnh cho hay, Thương vụ Việt Nam tại Canada đã làm việc với ngân hàng và chính quyền sở tại ngăn chặn tình trạng làm giả con dấu tuy nhiên biện pháp chặt chẽ hơn từ tỉnh bang, liên bang về hành vi làm giả con dấu vẫn chưa hiệu quả.
“Do vậy, để đảm bảo an toàn trong giao dịch quốc tế, Thương vụ đề nghị doanh nghiệp khi nhận được những đề nghị kỳ lạ cần xác minh rõ ràng. Ngoài Thương vụ Việt Nam ở Canada, doanh nghiệp có thể liên hệ với Đại sứ quán Canada tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để được hỗ trợ” - bà Trần Thu Quỳnh nhấn mạnh.
Tại hội nghị, các thương vụ đều khuyến nghị doanh nghiệp soạn thảo hợp đồng chặt chẽ, cần có điều khoản giám định hàng hoá trước khi giao hàng; yêu cầu đặt cọc ít nhất 15-20% tuỳ vào mức rủi ro của cảng đến và cảng trung chuyển; cân nhắc sử dụng công ty tư vấn chuyên ngành để đảm bảo an toàn trong giao dịch.
Liên quan đến môi giới, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Italia nhấn mạnh: Thời gian qua, vụ việc gian lận liên quan nhiều đến môi giới, do vậy khi ký hợp đồng với môi giới cần làm rõ điều khoản về chi phí thu hồi tiền hàng, trách nhiệm xác định danh tính của người mua và không nên sử dụng hợp đồng môi giới soạn sẵn hoặc bên môi giới cung cấp. Ngoài ra, doanh nghiệp trong nước nâng cao nghiệp vụ nhất là kiến thức về thương mại quốc tế. Trường hợp doanh nghiệp chưa đủ khả năng tìm nhân viên có kinh nghiệm nên thuê nhân viên theo thời vụ.
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Hoàng Minh Chiến nhận định: Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác XTTM hỗ trợ doạnh nghiệp đẩy mạnh xuất, nhập khẩu, Bộ Công Thương đề nghị các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục chủ động nắm bắt, phân tích, đánh giá chính sách nước sở tại cũng như nhu cầu, thị hiếu để kịp thời tham mưu cho Bộ về các vấn đề mang tính chiến lược và đề xuất những phản ứng chính sách nhằm bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp thủy sản trong hội nhập kinh tế quốc tế; tiếp thu ý kiến, yêu cầu, đề nghị của đại diện các hiệp hội ngành hàng, có kế hoạch hỗ trợ cho hiệp hội và doanh nghiệp hiệu quả; cập nhật, chia sẻ các tình huống gian lận, lừa đảo thương mại, phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, các Vụ Thị trường và các đơn vị liên quan để cung cấp hiệp hội, doanh nghiệp tham khảo, đúc rút kinh nghiệm.
Hai là, các Vụ Thị trường ngoài nước, Cục Xuất nhập khẩu và Cục Phòng vệ Thương mại phối hợp với hệ thống thương vụ theo dõi chặt chẽ biến động thị trường, chính sách thương mại, kịp thời tham mưu, đề xuất Lãnh đạo Bộ theo thẩm quyền trong việc xây dựng và thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về rào cản kỹ thuật, phi thuế quan, biện pháp, chính sách tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc xuất khẩu; hướng dẫn và hỗ trợ tối đa các hiệp hội, doanh nghiệp trong xử lý các vấn đề tranh chấp thương mại, lừa đảo thương mại.
Ba là, Cục Xúc tiến thương mại tiếp thu và tổng hợp các kiến nghị của các hiệp hội ngành hàng, tăng cường phối hợp với các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường nước ngoài nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp xúc, tìm hiểu và đánh giá đối tác để phát triển quan hệ đối tác ổn định, tin cậy.
Bốn là, đối với Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cần: tiếp thu các ý kiến, khuyến nghị của các đồng chí tham tán thương mại, cơ quan thương vụ tại nước ngoài lựa chọn các hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp, thị trường phù hợp, khẩn trương lên kế hoạch triển khai và có thông tin với Bộ Công Thương, Thương vụ để phối hợp triển khai hoạt động hiệu quả, an toàn. Tiếp tục nắm bắt cập nhật tình hình sản xuất phục vụ xuất khẩu, thường xuyên trao đổi với doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu hỗ trợ về phát triển thị trường, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công thương hỗ trợ doanh nghiệp, chủ động làm việc với các cơ quan đối tác, hiệp hội ngành hàng nước ngoài hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tranh chấp thương mại nếu có xảy ra, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp.