Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit), xuất khẩu sầu riêng sụt giảm mạnh khiến kim ngạch xuất khẩu rau quả sụt giảm liên tiếp trong 3 tháng đầu năm 2025.
Ứớc tính trong tháng 3, xuất khẩu rau quả cả nước đạt 421 triệu đô la Mỹ, tăng trên 34% so với tháng trước. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2024, kim ngạch xuất khẩu giảm 10,5%.
Đây là tháng thứ ba liên tiếp kim ngạch xuất khẩu rau quả suy giảm.
Xuất khẩu sầu riêng sụt giảm mạnh khiến kim ngạch xuất khẩu rau quả sụt giảm liên tiếp trong 3 tháng đầu năm 2025
Trao đổi với báo chí, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Vinafruit nhận định nếu tình trạng này kéo dài, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2025 có thể giảm so với năm 2024. Nguyên nhân chính dẫn đến sụt giảm xuất khẩu là do sầu riêng – mặt hàng chủ lực của ngành đang gặp khó khăn trong xuất khẩu. Từ đầu năm 2025, Trung Quốc yêu cầu tất cả các lô hàng sầu riêng nhập khẩu phải có kết quả phân tích dư lượng Cadimi và chất vàng O tại các phòng thí nghiệm được nước này công nhận. Quy định này không chỉ áp dụng với Việt Nam mà với tất cả các nước xuất khẩu, khiến quy trình xuất khẩu trở nên phức tạp, kéo dài thời gian thông quan.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Vinafruit, ngoài lý do sầu riêng đang ở thời điểm nghịch vụ (từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm nay) nên sản lượng thấp thì việc thị trường Trung Quốc siết chặt kiểm tra chất vàng O và cadimi đối với 100% lô sầu riêng nhập khẩu vào thị trường này khiến một số doanh nghiệp (DN) chuyên xuất khẩu sầu riêng đi thị trường trên đã chủ động dừng “đi hàng” dù không phải tất cả các sản phẩm sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đều không đáp ứng tiêu chuẩn.
Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 3 đạt gần 421 triệu đô la Mỹ, tăng trên 34% so với tháng trước. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2024, kim ngạch xuất khẩu giảm trên 10%.
Lũy kế 3 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt trên 1,1 tỉ đô la Mỹ, giảm trên 13% so với 3 tháng đầu năm 2024. Nguyên nhân chính dẫn đến sụt giảm xuất khẩu là do sầu riêng (dạng tươi và đông lạnh), mặt hàng chủ lực của ngành đang gặp khó khăn trong xuất khẩu.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu rau quả tháng 3 ước đạt trên 172 triệu đô la Mỹ, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả 3 tháng đầu năm 2025 đạt gần 578 đô la Mỹ, tăng trên 17% so với cùng kỳ năm 2024.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả chính của Việt Nam, tiếp đến là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Úc, Đài Loan, Malaysia, Hà Lan...
Dù xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2024, ngành rau quả vẫn duy trì được cán cân thương mại dương. Tháng 3, rau quả xuất siêu đạt gần 249 triệu đô la Mỹ, lũy kế 3 tháng đầu năm xuất siêu đạt gần 522 triệu đô la Mỹ. Mức xuất siêu này cho thấy, dù gặp áp lực từ nhiều yếu tố thị trường, ngành vẫn giữ được vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.
Năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đạt 3,4 tỷ USD, chiếm gần 50% kim ngạch toàn ngành rau quả (hơn 7,15 tỷ USD). Nếu giải quyết tốt vấn đề kiểm định chất lượng, xuất khẩu rau quả Việt Nam có thể đạt 8 tỷ USD trong năm 2025.