Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), với giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản bình quân đạt gần 1,4 tỷ USD⁄tháng, đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 12,15 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, sản phẩm gỗ 7,84 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2023; gỗ nguyên liệu 3,533 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023; lâm sản ngoài gỗ 777 triệu USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, trừ 2 thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản có dấu hiệu giảm nhẹ lần lượt là 2,7 % và 1,4% so với cùng kỳ năm 2023, các thị trường nhập khẩu chính còn lại vẫn duy trì tăng trưởng khá mạnh.
Trong đó, Hoa Kỳ đạt 5,9 tỷ USD, chiếm 54,4 %, tăng 24,7 % so với cùng kỳ 2023; tiếp đến là Trung Quốc đạt 1,3 tỷ USD và châu Âu đạt 630 triệu USD và đều tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo ông Triệu Văn Lực - Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện một số thị trường xuất khẩu chính đồ gỗ của nước ta (EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc) vẫn còn những khó khăn về kinh tế; chính sách bảo hộ sản phẩm hàng hoá, thực hiện chặt chẽ quy định về giải trình gỗ bất hợp pháp, giảm phát thải khí nhà kính, quy định về không gây mất rừng và suy thoái rừng của Liên minh châu Âu (EUDR), điều tra về chống bán phá giá và chống trợ cấp của thị trường Hoa Kỳ và Hàn Quốc).
Nhận định về tình hình xuất khẩu gỗ những tháng cuối năm, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ Việt Nam (VIFORES) cho rằng với đà tăng trưởng của 3 quý đầu năm, xuất khẩu gỗ và lâm sản của cả năm có thể khả quan. Ông Hoài giải thích: “Tăng trưởng hai con số hiện nay chủ yếu do năm 2023 xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã giảm rất sâu (giảm 15,9%) sau nhiều năm tăng trưởng liên tục. Nếu so sánh với năm 2022, là năm kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt 16,1 tỷ USD, thì tăng trưởng 9 tháng đầu năm nay cũng chỉ nên coi là sự phục hồi sau khi giảm chạm đáy. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đã phục hồi nhanh hơn dự báo và cao hơn nhiều ngành hàng khác”. Thông thường, trong 2 quý cuối năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu mua sắm mùa cao điểm của thị trường và bù đắp sự giảm sút trong quý đầu năm với tết Nguyên đán của Việt Nam. “Nếu không có những bất trắc, cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và các loại lâm sản ngoài gỗ có thể đạt trên 16 tỷ USD” - Ông Hoài dự báo.
Ông Hoài cho rằng: Trong bối cảnh các yêu cầu về môi trường của thị trường nhập khẩu ngày càng khắt khe, nên các doanh nghiệp cần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm và chủ động xúc tiến thương mại, cải thiện quản trị doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất. Đặc biệt, chú trọng tăng cường năng lực phòng vệ thương mại vì tần suất xuất hiện các vụ khởi kiện và điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và chống lẩn tránh thuế có thể ngày càng nhiều hơn. Doanh nghiệp cũng cần sớm có biện pháp hữu hiệu giảm phát thải, tiến tới phát thải bằng 0.