Thỏa thuận xanh châu Âu (The European Green Deal – EGD) là Chương trình tổng thể và dài hạn của Liên minh châu Âu (EU) nhằm ứng phó với các vấn đề khẩn cấp về khí hậu toàn cầu đến năm 2050.
Thỏa thuận được thông qua ngày 15/1/2020, EGD định hình chiến lược của EU để đạt mục tiêu phát thái ròng khí nhà kính bằng 0 (trung hòa về phát thải) và trở thành khu vực kinh tế sử dụng ít nhất các nguồn lực tự nhiên vào năm 2050.
Trong tổng thể, các chính sách xanh của EU ( gồm Chiến lược, Chương trình, Kế hoạch hành động, văn bản chính sách, pháp luật cụ thể) được triển khai trên 09 lĩnh vực chính, đặt ra nhiều tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu xanh mới và hoặc nâng cấp từ các quy định hiện hành, có tác động trực tiếp/ hoặc gián tiếp tới nhiều nhóm chủ thể trong các hoạt động liên quan.
Tuy là gói chính sách nội bộ của EU, các chính sách áp dụng cho hàng hóa giao dịch, sử dụng, tiêu dùng, thải bỏ tại EU, tức là sẽ ảnh hưởng đến những hàng hóa nhập khẩu vào EU (trong đó có hàng Việt Nam).
04 chính sách xanh EU sẽ có tác động tới xuất khẩu Việt Nam
1- Chiến lược “Từ trang trại tới bàn ăn”
Với những mục tiêu đến năm 2030, áp dụng đối với nhóm nông sản, thực phẩm, thủy sản như:
- Giảm 50% lượng sử dụng hóa chất trừ sâu
- Giảm 50% lượng sử dụng thuốc trừ sâu nguy hiểm
- Giảm ít nhất 20% lượng sử dụng phân bón
- Giảm 50% doanh số bán thuốc kháng sinh cho vật nuôi và nuôi trồng thủy sản
2- Kế hoạch hoạt động Kinh tế tuần hoàn: gồm 35 hành động trong 07 chuỗi sản phẩm như: Điện tử và công nghệ thông tin, bao bì đóng gói, nhựa, dệt may
3- Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới: áp dụng với sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và Hyro. Việt Nam thì hiện đang xuất khẩu sắt thep, nhôm, là lượng nhỏ xi măng vào thị trường EU.
4- Chiến lược đa dạng sinh học EU: với quy định về chống phá rừng (EUDR) áp dụng cho các mặt hàng như gia súc, ca cao, cà phê, cao su, dầu cọ, đỗ tương, gỗ và các sản phẩm được tạo ra từ những mặt hàng này (da, socola, đồ nội thất,…)
Các chính sách xanh nói trên của EU ảnh hưởng tới xuất khẩu Việt Nam theo các cách thức khác nhau, phổ biến nhất là làm gia tăng tiêu chuẩn “xanh bền vững” đối với hàng hóa xuất khẩu. Từ góc độ thị trường, đây là cách thức tốt nhất để doanh nghiệp có thể đi trước, tiếp cận sớm thị trường các sản phẩm xanh đầy tiềm năng của EU với khách hàng có ý thức tiêu dùng xanh đang tăng mạnh tại khu vực này.
Dưới đây là một số gợi ý giúp cho doanh nghiệp Việt Nam tránh việc bị động khi tiếp cận thị trường EU như:
- Cập nhật các thông tin mới nhất liên quan đến chính sách xanh ở EU
- Nhận diện kịp thời, chính xác các tiêu chuẩn xanh cụ thể có liên quan tới sản phẩm của mình
- Có sự chuẩn bị, đầu tư, và hành động sớm để dần thích ứng và đảm bảo tuân thủ các yêu cầu bắt buộc khi Eu áp dụng chính thức
Để hiểu hơn, doanh nghiệp tham khảo thêm ấn phẩm “Thỏa thuận xanh EU và xuất khẩu của Việt Nam” tại file đính kèm.