| Thông tin thị trường quốc tế cập nhật 24/7 từ Bộ Công Thương
Tin tức

Khái quát ngành thuốc lá tại Ma-rốc

Thị trường thuốc lá tại Ma-rốc cạnh tranh rất khắc nghiệt với sự hiện diện của nhiều tập đoàn quốc tế hàng đầu thuộc lĩnh vực, tập trung chủ yếu vào nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu, thuốc lá điếu của công ty mẹ để phân phối độc quyền, cũng như thiết lập nhà máy sản xuất tại Ma-rốc. Trong đó phải kể đến: Philip Morris International, Japon Tabacco International, British American Tabacco…Vì cạnh tranh gay gắt, mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng SMT (Tập đoàn Imperial Brand) phải rất nỗ lực để duy trì thị phần. Tuy vậy, thị phần của SMT vẫn giảm từ mức 70% của 2010 xuống chỉ còn 57% hiện tại.

Khái quát ngành thuốc lá tại Ma-rốc

 

  1. Khái quát tình hình sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ mặt hàng thuốc lá:

 Ma-rốc có khoảng 3500 lao động trực tiếp canh tác cây thuốc lá, với diện tích không lớn, rải rác tại một số tỉnh trọng điểm nông nghiệp miền Trung và Miền Đông, gần Cố đô Fes.

Sản lượng thuốc lá nguyên liệu tại Ma-rốc nhỏ, đáp ứng khoảng 20-22% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất trong nước. Tuy vậy, đa số người trồng thuốc lá được các tập đoàn lớn bao tiêu sản lượng. Theo ước tính, hiện nay mỗi hecta cây thuốc lá có thể đem lại cho người trồng từ 30 ngàn-60 ngàn Dh doanh thu (xấp xỉ 3300-6700 USD). Người trồng có thể là cá thể, hộ gia đình hoặc hợp tác xã gieo trồng trên diện tích từ 01 đến vài chục hecta tùy thuộc vào hợp đồng bao tiêu với nhà sản xuất và một số điều kiện thủ tục khác.

Trước năm 2000, sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc lá nói chung tại Ma-rốc do Nhà nước độc quyền. Từ năm 2000, Chính phủ cho phép tư nhân hóa. Theo đó, Tổng Công ty Thuốc lá Ma-rốc (SMT) được bán lại cho Tập đoàn Thuốc lá Quốc tế Imperial Brand (của Anh).

Năm 2010, các Tập đoàn thuốc lá hàng đầu thế giới bắt đầu tập trung vào thị trường Ma-rốc do kinh doanh tại châu Âu và các nước có xu hướng giảm bởi các luật và quy định chống tác hại của thuốc lá. 

Kể từ đó, thị trường thuốc lá tại Ma-rốc cạnh tranh rất khắc nghiệt với sự hiện diện của nhiều tập đoàn quốc tế hàng đầu thuộc lĩnh vực, tập trung chủ yếu vào nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu, thuốc lá điếu của công ty mẹ để phân phối độc quyền, cũng như thiết lập nhà máy sản xuất tại Ma-rốc. Trong đó phải kể đến: Philip Morris International, Japon Tabacco International, British American Tabacco…Vì cạnh tranh gay gắt, mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng SMT (Tập đoàn Imperial Brand) phải rất nỗ lực để duy  trì thị phần. Tuy vậy, thị phần của SMT vẫn giảm từ mức 70% của 2010 xuống chỉ còn 57% hiện tại.

Tổng lượng thuốc lá tiêu thụ tại thị trường Ma-rốc xấp xỉ 15 tỷ điếu mỗi năm, xì gà khoảng 500 ngàn điếu/năm. Riêng thuốc lá, tại Ma-rốc có hầu hết các nhãn hiệu nổi tiếng như: Marboro, Dunhill, Winston, More, Camel, Glamour, LD, Monte Carlos… Bên cạnh đó, còn có một số nhãn hiệu nội địa vừa miệng người hút và được yêu thích như: Gauloise, Marquise…Các loại thuốc nội chủ yếu được sản xuất từ 02 giống nguyên liệu nội mang tên Orient và Burley, với thời gian ủ lá và tỷ lệ pha trộn khác nhau, đôi khi kết hợp với nguyên liệu nhập khẩu.

Người Ma-rốc thích hút thuốc nặng, vị đậm. Theo ước tính, Ma-rốc có khoảng 3,6 triệu người hút thuốc, tương đương khoảng 15,7 % dân số từ 15 tuổi trở lên. Mặc dù không có thống kê chính thức số người chết vì thuốc lá, nhưng ước tính 90% số ca ung thư phổi tại Ma-rốc có liên quan đến thuốc lá, 25% số ca bệnh tim mạch và đột quỵ đã và/hoặc đang hút thuốc dưới hình thức chủ động hoặc thụ động. 38,8% đàn ông Ma-rốc hút thuốc, trong khi con số này ở phụ nữ chỉ là 3,6%. Bình quân 01 người hút thuốc tại Ma-rốc chi 32,4 Dh/ ngày (3,6 USD-tương đương 30% lương tối thiểu) cho thuốc lá.

Năm 2019 và 2020, Ma-rốc nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu để đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sản xuất trong nước, chủ yếu từ Trung Quốc, Hoa Kỳ, Indonesia, trong đó từ Trung Quốc là chủ yếu do nguồn cung dồi dào, linh hoạt và giá cả hợp lý. Ma-rốc nhập thuốc lá điếu từ Thụy sĩ, Pháp, Tây Ban Nha, Nhật Bản và một số nước châu Âu khác, chủ yếu thông qua các tập đoàn và công ty mẹ, trong đó lượng nhập khẩu từ Thụy sỹ chiếm gần 22% tổng lượng tiêu thụ tại Ma-rốc (tương đương 3 tỷ điếu/năm). 

Chính sách quản lý nhập khẩu và tiêu thụ

Chính sách chung:

Tại Ma-rốc, Luật phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực từ năm 1996. Năm 2004, Ma-rốc tham gia Công ước phòng chống tác hại của thuốc lá trong khuôn khổ Tổ chức Y tế Thế giới.

Năm 2012, Chính phủ Ma-rốc đã nỗ lực thắt chặt các tiêu chuẩn đối với thuốc lá nhập khẩu, theo hướng đồng bộ tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn của châu Âu.             

Tương tự nhiều nước trên thế giới, Ma-rốc có các chính sách hạn chế tác hại của thuốc lá như cấm hút thuốc nơi công cộng, dưới mái che hay trong không gian kín, cấm quảng cáo thuốc lá dưới mọi hình thức, cấm bán thuốc cho trẻ em…Tuy vậy, thuốc lá luôn là mặt hàng nhạy cảm, khó kiểm soát.

Thuế và thuế quan:

Chính phủ Ma-rốc áp dụng chính sách nhằm giảm tiêu thụ thuốc lá, trong đó có tăng thuế tiêu thụ. Trong 5 năm qua, luật ngân sách sửa đổi hàng năm thường có điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đối với mặt hàng này. Lần gần nhất là tháng 8/2020, theo đó cứ 1000 điếu thuốc nhập khẩu phải chịu mức thuế tiêu thụ 576-630 Dh (63-70 USD), tương đương 53,6-58% tổng giá bán. Đối với thuốc lá nguyên liệu, thuế tiêu thụ giao động từ 350-450 Dh (39-50 USD)/1000 gam. Thuốc lá điện tử chịu thuế tiêu thụ 1500 Dh (167 USD)/ 1000 gam.

Thuế quan nhập khẩu thuốc lá sợi vào Ma-rốc là 17,5% (chương 2401), thuốc lá điếu là 40% (chương 2402), thuốc lá vụn và các sản phẩm từ thuốc lá (chương 2403) là 40%. Trong đó, dòng thuốc lá điếu nhập khẩu và phân phối tại Ma-rốc chủ yếu thuộc tiểu dòng 2402900010 và 2402900090.

Bên cạnh thuế quan và thuế tiêu thụ, thuốc lá nhập khẩu còn phải chịu 0,25% thuế ngoại ngạch và 20% VAT.

Ước tính ngành thuốc lá đóng góp ngân sách Ma-rốc xấp xỉ 9-15 tỷ Dh/năm (1-1,5 tỷ USD).

Thương vụ Việt Nam tại Maroc

Nội dung liên quan