Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, là một Bên và Liên minh Kinh tế Á Âu và các nước thành viên là một Bên (sau đây gọi tắt là “Hiệp định” hoặc “VN-EAEU FTA”) được Chính phủ hai Bên ký ngày 29 tháng 5 năm 2015 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 10 năm 2016.
Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) đã tiến hành chuyển đổi Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa (HS) từ Phiên bản HS 2017 sang Phiên bản HS 2022. Ngày 08 tháng 6 năm 2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 31/2022/TT-BTC ban hành danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam theo Phiên bản HS 2022. Theo đó, Bộ Công Thương cần thực hiện chuyển đổi mã số hàng hóa từ Phiên bản HS 2017 sang Phiên bản HS 2022 của Phụ lục II (Danh mục Quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR)) ban hành kèm theo Thông tư số 21/2016/TT-BCT ngày 20 tháng 9 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định VN-EAEUFTA để phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định trong nước.
Ngày 29 tháng 9 năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương ký Công thư trao đổi của Việt Nam gửi Bộ trưởng Ủy Ban kinh tế Á Âu (thuộc Liên minh Kinh tế Á Âu) để thực hiện cam kết thông qua Danh mục Quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR) Phiên bản HS 2022 của Phiên họp Ủy ban hỗn hợp Hiệp định VN-EAEUFTA giữa Bộ trưởng các Bên, bản PSR phiên bản cập nhật HS 2022 có hiệu lực vào ngày 01 tháng 10 năm 2023.
Theo đó, PSR Phiên bản HS 2022 có 124 dòng hàng mới (ở cấp độ 6 số) được hình thành từ một số dòng hàng tại Phiên bản HS 2017 có tiêu chí xuất xứ hàng hóa khác nhau tập trung ở một số mặt hàng như: thủy sản, hóa chất, gỗ, dệt may, máy móc, thiết bị. Tổng số lượng dòng hàng (ở cấp độ 6 số) trong PSR Phiên bản HS 2022 là 5.581 dòng hàng.
Tại danh mục PSR của Hiệp định VN-EAEUFTA, có ba loại tiêu chí xuất xứ hàng hoá chính được sử dụng, bao gồm: Xuất xứ thuần túy, Chuyển đổi mã số hàng hoá, Hàm lượng giá trị khu vực. Các tiêu chí xuất xứ hàng hoá này được quy định sử dụng riêng biệt hoặc kết hợp với nhau, tuỳ từng mặt hàng cụ thể.
Tiêu chí xuất xứ thuần túy
Theo Hiệp định, tiêu chí WO gần như chỉ áp dụng cho hàng hóa nông sản, thủy sản thô (như rau củ quả, gạo, cà phê...), nông sản, thuỷ sản chế biến hoặc khoáng sản. Trong một số trường hợp, hàng công nghiệp cũng có thể đáp ứng tiêu chí WO khi được sản xuất toàn bộ từ nguyên liệu thu hoạch trong lãnh thổ của một nước thành viên. Ví dụ, khăn lụa tơ tằm của Việt Nam được dệt từ sợi tơ tằm do con tằm được người nông dân Việt Nam nuôi, lấy tơ và dệt thành sợi tơ tằm. Việc sử dụng bất kỳ bán thành phẩm hoặc nguyên liệu không có xuất xứ thì hàng hóa không đáp ứng tiêu chí xuất xứ thuần túy hoặc sản xuất toàn bộ.
Tiêu chí Chuyển đổi mã số hàng hoá
Đây là tiêu chí xuất xứ được sử dụng nhiều nhất tại danh mục PSR của Hiệp định. Chuyển đổi mã số hàng hoá (Change in Tariff Clasification - CTC) là sự thay đổi về mã số HS (trong Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu) của hàng hoá được tạo ra ở một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ trong quá trình sản xuất từ nguyên liệu không có xuất xứ của nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ này.
Tiêu chí Hàm lượng giá trị khu vực
Hàm lượng giá trị khu vực (VAC) là hàm lượng giá trị đạt được đủ để coi là có xuất xứ tại một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi diễn ra công đoạn sản xuất, gia công, chế biến cuối cùng. Tại danh mục PSR của Hiệp định VN-EAEUFTA, một số tiêu chí xuất xứ yêu cầu áp dụng VAC như là một lựa chọn thay thế của tiêu chí CTC, một số khác thì yêu cầu áp dụng VAC đồng thời cùng với tiêu chí CTC.