Trong 10 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Nhật Bản đạt 36,98 tỉ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Việt Nam xuất siêu sang Nhật Bản 1,5 tỉ USD.
Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết, trong 10 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với Nhật Bản đạt 36,98 tỉ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2022.
(Xuất khẩu cà phê Việt Nam sang Nhật Bản 10 tháng đạt hơn 252 triệu USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2022)
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Nhật Bản đạt 19,23 tỉ USD, giảm 4,0% so với cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu hàng hóa Việt Nam của Nhật Bản đạt 17,74 tỉ USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2022. Theo đó, Việt Nam có xuất siêu sang Nhật Bản 1,5 tỉ USD.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đạt kim ngạch lớn gồm hàng dệt may đạt 3,31 tỉ USD, tăng 0,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2,42 tỉ USD, tăng 17,8%; điện thoại, các loại và linh kiện đạt trên 951 triệu USD, tăng 9,6%; túi xách, ví, vali, mũ và ô đạt 295 triệu USD, tăng 6,4%.
Trong nhóm hàng nông lâm thủy sản, thủy sản đạt 1,25 tỉ USD, giảm 12,6%. Xuất khẩu cà phê sang Nhật Bản tăng 9,3%, đạt 252,5 triệu USD; rau quả đạt 150,56 triệu USD, tăng 6,6%. Xuất khẩu hạt điều tăng mạnh nhất với 19,3%, đạt 49,02 triệu USD.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa Nhật Bản vào Việt Nam đều giảm ở các nhóm hàng hóa chính. Cụ thể, nhóm hàng chế biến, chế tạo, các mặt hàng có kim ngạch lớn gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 5,92 tỉ USD, giảm 1,7%); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 3,31 tỉ USD, giảm 6,7%; linh kiện, phụ tùng ô tô đạt 479,97 triệu USD, giảm 32,9%).
Nhập khẩu nhóm hàng nông, thủy sản đạt 138,768 triệu USD, giảm 1,8%; nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản đạt 57,88 triệu USD, giảm 49,2%; nhóm hàng xăng dầu các loại đạt 27,85 triệu USD, giảm 71,8%.
Theo Ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cho rằng để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Nhật Bản, các cơ quan trong nước cần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng lạnh như hệ thống kho, logistic để bảo quản, vận chuyển các mặt hàng nông sản xuất khẩu.
Các cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ doanh nghiệp sang Nhật Bản tham dự hội chợ, triển lãm quốc tế theo chuyên ngành.
Để thâm nhập vào thị trường Nhật Bản tốt hơn,Ông Minh khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam nên hợp tác với đối tác Nhật Bản để cải tiến thiết kế, mẫu mã cho phù hợp thị hiếu người Nhật, chú trọng công tác tuyên truyền quảng bá sản phẩm, thương hiệu, xây dựng website có cả tiếng Anh, tiếng Nhật.
Các doanh nghiệp cần tìm hiểu, tận dụng tốt các ưu đãi thuế, xuất xứ trong các hiệp định thương mại; tích cực tham gia các chương trình hội thảo kết nối giao thương trực tiếp và trực tuyến để giới thiệu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, hàng gia dụng, vật liệu xây dựng...